Cả đời trăn trở vì điệu múa dân tộc

“Các điệu múa dân gian là một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng nhưng đang ngày càng mai một và dần mất đi vì áp lực của cuộc sống cơm áo của người dân”, NSƯT, nhà giáo, nhà nghiên cứu Múa dân gian Bùi Chí Thanh, trăn trở.

“Các điệu múa dân gian là một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng nhưng đang ngày càng mai một và dần mất đi vì áp lực của cuộc sống cơm áo của người dân”, NSƯT, nhà giáo, nhà nghiên cứu Múa dân gian Bùi Chí Thanh, trăn trở.

Sinh ra và lớn lên ở xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nhưng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nhà giáo, nhà nghiên cứu múa dân gian Bùi Thanh lại gắn cả thời trai trẻ của mình với mảnh đất Tây Bắc.

NSƯT, nhà giáo Bùi Chí Thanh
NSƯT, nhà giáo Bùi Chí Thanh

Và hiện nay, sau một chặng đường dài với nghệ thuật múa dân gian các dân tộc ở vùng Tây Bắc, ông vẫn chọn một mảnh đất thuộc vùng Tây Bắc là phường Chăm Mát (TP.Hòa Bình) làm nơi an dưỡng tuổi già của mình. Hầu hết các tác phẩm múa, công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật múa của nghệ sỹ Bùi Chí Thanh đều gắn liền với các dân tộc như Mường,Thái, Dao, của đồng bào các dân tộc miền núi tây bắc.

Bén duyên với múa trên chiến trường

Năm 1951, như bao thanh niên yêu nước khác, Bùi Chí Thanh lên đường tham gia chiến đấu chống Pháp và được tín nhiệm, tuyển chọn đứng trong hàng ngũ Đại đội Thanh niên xung phong trên chiến khu Việt Bắc. Đây là đội ngũ cán bộ xây dựng lực lượng tại các vùng tự do.

Đến năm 1954, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Trung ương quyết định thành lập đoàn viên thanh niên tiền phương. Để xây dựng lực lượng trên mặt trận văn hóa, lãnh đạo chiến khu đã tuyển một số cán bộ có năng khiếu tham gia đội ca hát, múa của đoàn thanh niên tiền phương. Con đường đến với nghệ thuật múa của ông Thanh cũng bắt đầu manh nha từ đây.

“Tháng 6 năm 1953, tôi chính thức đến với nghệ thuật múa. Sau khi được huấn luyện, đội múa của tôi được điều động về huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Nghĩa Lộ tập huấn ở khu rừng ven suối nhằm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Điệu múa đầu tiên tôi được học là múa xòe Thái” - Nghệ sỹ Bùi Chí Thanh nhớ lại.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đại thắng, năm 1956, khu tự trị Thái Mèo được thành lập và ông Thanh được điều động về khu làm đội phó đội múa thuộc Đoàn văn công khu tự trị. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đoàn văn công khu tự trị giải tán, ông Thanh được điều động về làm Phó hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Năm 1981, nghệ sỹ Bùi Chí Thanh được cử sang tu nghiệp ở Bungari để học về biên đạo múa và sư phạm nghệ thuật.

Về nước, ông Thanh được Bộ Văn hóa cử vào Tây Nguyên làm công tác giảng dạy và đào tạo biên đạo múa cho học sinh Tây Nguyên. Khi quay trở lại Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, ông Thanh đã đề nghị Bộ Văn hóa mở lớp biên đạo múa hệ trung cấp cho học sinh. Không lâu sau đó, nghệ sĩ Thanh cho ra đời cuốn giáo trình “Biên đạo múa văn hóa quần chúng”.

“Cứu sống” điệu múa dân tộc Mường

Trong những năm tháng sống, chiến đấu và lao động nghệ thuật ở vùng Tây Bắc, Bùi Chí Thanh đã coi vùng đất này là quê hương thứ hai của mình. Ban đầu, ông chỉ sưu tầm các điệu múa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc để phục vụ cho công tác dàn dựng các điệu múa biểu diễn nghệ thuật. Sau này, khi đã được trang bị kiến thức lý luận về nghệ thuật các điệu múa dân gian, dân tộc, ông Thanh liền bắt tay vào công cuộc nghiên cứu các điệu múa dân gian của các dân tộc.

Cuốn sách “Xòe vòng của người Thái” mà ông Thanh viết năm 1971 được Ủy ban Văn hóa Xã hội của Chính phủ  tặng giải ba và được nhiều tạp chí, trong đó có Tạp chí Dân tộc học đăng tải. Ông được mời đi đọc tham luận tại hội thảo về văn hóa nghệ thuật toàn quốc. Tiếp đó, cuốn “Nghệ thuật múa dân gian vùng Tây Bắc” ra đời. Đây là cuốn sách in năm 1998, đánh giá về thiên hướng nghiên cứu về nghệ thuật múa, được Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật tặng giải nhì (không có giải nhất).

Sống bên đồng bào dân tộc Mường, nghệ sĩ Bùi Chí Thanh nhận thấy, xưa kia múa Mường chỉ phục vụ cho tầng lớp thống trị Lang đạo. Vì thế, sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, khi chế độ Lang đạo bị xóa bỏ thì nghệ thuật múa của người Mường cũng mai một dần và biến mất theo thời gian. Quyết tâm đưa điệu múa người Mường trở lại đời sống tinh thần của người dân Mường, ông Thanh đã cần mẫn, say mê, hào hứng nghiên cứu về điệu múa này.

Ở đâu có người Mường sinh sống là ở đó có dấu chân của ông Thanh và nghệ sĩ này đã tìm đến ăn, ở, sống cùng người Mường để nghiên cứu và sưu tầm các điệu múa. Bài viết “Tìm về một nền nghệ thuật bị lãng quên” của ông Thanh đã gây nên một cú sốc cho giới nghiên cứu văn hóa. Một cuộc hội thảo đã được mở tại Hà Nội. Ngày đó, luận điểm của ông Thanh đã được GS.Nguyễn Duy Quý - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội hoan nghênh và đánh giá cao trong hội nghị. Nghệ thuật múa Mường đã được Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tặng giải thưởng, được Nhà nước đánh giá là công trình nghệ thuật xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật...

Thành công về cuộc nghiên cứu như vậy nhưng ông Thanh lại trăn trở vì câu nói của một lãnh đạo tỉnh Hòa Bình: “Ông làm cho nhân dân Mường rất tin tưởng và lãnh đạo tỉnh rất vui, nhưng đấy chỉ là lý luận thôi, múa thật trên sân khấu thì tốt quá”.

Thế là, với kiến thức về nghệ thuật múa dân gian, dân tộc, cộng thêm tâm huyết của mình, ông Thanh đã ra mắt tác phẩm múa “Huyền thoại đất mường” dựa theo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Tác phẩm này sau khi trình diễn đã gây tiếng vang trong lòng quần chúng, được nhiều bà con sưu tầm, sáng tác và tạo ra một phong trào học tập múa Mường rộng khắp trong nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Còn sức, còn nghiên cứu

Không chỉ viết về nghệ thuật múa Mường, ông Thanh còn có một số tác phẩm như “Xòe Thái - Một giai đoạn phát triển độc đáo”, “Tết nhảy của người Dao”, “Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc”...

Trong suốt quãng đường hoạt động nghệ thuật của mình, ông Thanh đã được tặng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải xuất sắc dành cho tác phẩm múa “Cây bông mẫu - 1993”, Giải đạo diễn xuất sắc cho tác phẩm múa “Hoà Bình chiến thắng - 1992”, được tặng Huân chương lao động hạng nhì và nhiều huân huy chương nhà nước...

Hiện nay, ông Thanh vẫn cặm cụi nối dài “kho tàng nghiên cứu” của mình và sắp công bố ba công trình nghiên cứu văn hóa: “Đám cưới của người Mường”, “Đám cưới người Dao” và “Lễ tạ mả của các dân tộc Tây Nguyên”.

Thiên Minh

Đọc thêm