Ca ghép thận lịch sử giữa hai người nhiễm HIV

(PLVN) - Mới đây, một ca ghép thận hy hữu đã được tiến hành bởi các bác sĩ tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), trong đó người hiến tạng và người nhận ghép thật đều dương tính với HIV.  Đây có thể được xem là ca phẫu thuật ghép thận lịch sử trên thế giới, mở ra cơ hội để phá vỡ nhiều kỳ thị và quan niệm sai lầm cũ liên quan đến HIV.
Chị Nina Martinez trong ca ghép thận lịch sử.
Chị Nina Martinez trong ca ghép thận lịch sử.

Ước nguyện dũng cảm

Theo CNN, chị Nina Martinez, 36 tuổi, đang làm công việc là chuyên viên tư vấn sức khỏe cộng đồng, đến từ bang Atlanta, Mỹ. Chị bị nhiễm HIV từ khi mới 6 tuần tuổi vào năm 1983, khi cô được truyền máu, thời điểm ngân hàng máu chưa sàng lọc được căn bệnh nguy hiểm này. Nina may mắn sống sót đến năm 13 tuổi khi thuốc ức chế virus HIV được phát minh vào năm 1996. 

Vào mùa hè năm ngoái, Nina biết một người bạn nhiễm HIV của mình cần được ghép tạng, và cô đã tìm hiểu xem bản thân có thể hiến tạng cho người bạn đó hay không. Nhưng trước khi Nina hoàn thành những xét nghiệm sức khỏe, bạn của cô đã qua đời. Để thực hiện ước nguyện của cô và người bạn quá cố, Nina quyết định sẽ hiến tạng cho ai đó cần. Lần này, cô đã tặng nó cho một người lạ, cũng bị nhiễm HIV.

Trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật này, các bác sỹ cho rằng quá rủi ro khi bệnh nhân nhiễm HIV chỉ còn một quả thận. Tuy nhiên, với sự tin tưởng vào hiệu quả các loại thuốc kháng virus giúp người bệnh có cuộc sống bình thường hiện nay, cuộc phẫu thuật vẫn diễn ra.

Theo các bác sĩ, chị Nina đáp ứng đủ tiêu chuẩn hiến thận, bao gồm thể chất khỏe mạnh, không bị huyết áp cao, không bị tiểu đường. Cả người nhận lẫn người cho phải tương thích về khả năng kháng thuốc HIV. Như vậy, khi được ghép tạng thuốc vẫn hiệu quả với họ.

Ngày 28/3 vừa qua, sau 3 ngày tiến hành cuộc phẫu thuật thì tình hình sức khỏe của chị đều ổn. Sức khỏe của người được ghép thận (không được công khai danh tính) cũng chuyển biến tích cực. 

“Tôi thực sự muốn mọi người suy nghĩ lại về ý nghĩa cuộc sống của những người nhiễm HIV. Nếu ai đó muốn có bằng chứng về việc một người có thể sống cả đời với HIV, thì tôi là ví dụ rõ ràng nhất. Tôi đã sống và chiến đấu với HIV trong 35 năm qua và tôi vẫn luôn thấy cuộc đời của mình tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Tôi chỉ biết rằng tôi khỏe như người không nhiễm HIV và cũng đáng giá ngang họ với tư cách một người hiến thận mà thôi”, chị Nina chia sẻ. 

Bác sĩ Dorry Segev, giáo sư tại Trường Y khoa Johns Hopkins, và cũng là bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật lấy thận của chị Martinez, ca ngợi lòng dũng cảm của chị, đồng thời cho rằng ca phẫu thuật lịch sử này. “Thực sự là một điều đáng chúc mừng với công tác chăm sóc điều trị người có HIV và sự thay đổi đột phá của nó”, bác sĩ Dorry Segev nói. 

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trên thực tế, kể từ khi đạo luật mới được thông qua vào năm 2016, các chuyên gia Mỹ đã cấy ghép khoảng 116 nội tạng từ người nhiễm HIV sang các bệnh nhân HIV khác. Trong khi đó số ca ghép thận từ người không nhiễm chỉ là 152.000 trong 30 năm qua.

Có điều ghép thận thì khác. Việc để các bệnh nhân nhiễm HIV sống với 1 quả thận được cho là quá nguy hiểm, vì hệ miễn dịch của họ không đủ để giải quyết các nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên theo nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins vào năm 2017 trên 42.000 bệnh nhân, nguy cơ nhiễm trùng khi ghép thận ở bệnh nhân HIV cũng không hơn người thường là bao. Có nghĩa, thận của họ có thể dùng được.

Sau khi Đạo luật HOPE chính thức có hiệu lực, đã có khoảng 100 ca ghép tạng giữa người cho và người nhận cùng nhiễm HIV. Trước trường hợp hiến thận của Nina Martinez, Đại học Y khoa Johns Hopkins đã tiến hành ca ghép tạng cho người nhiễm HIV đầu tiên của mình vào năm 2016. Tuy nhiên, do việc tìm kiếm người hiến tạng thích hợp đã khiến ca phẫu thuật trì hoãn cho đến nay. Nina Martinez là người nhiễm HIV còn sống đầu tiên hiến tạng trên thế giới.

Hy vọng cho người nhiễm HIV

Thành công của ca phẫu thuật ghép tạng giữa những người có HIV thực sự đem lại hy vọng cho những người bệnh này. Bởi cho tới năm 2013, nước Mỹ không cho phép người dương tính với HIV đi hiến tạng. Tuy nhiên, tháng 11/2013, Đạo luật công bằng chính sách nội tạng HIV (HOPE) được thông qua. Sau đó đã cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành ghép tạng từ người hiến tặng nhiễm HIV với những người đồng cảnh ngộ. 

Giáo sư Segev cũng tham gia tư vấn soạn thảo Đạo luật HOPE nhấn mạnh: “Trong cuộc đời làm bác sĩ, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân HIV chết vì không được nhận ghép tạng và nhiều người chỉ vì nhiễm HIV mà bị từ chối hiến tạng. Không ai nghĩ các ca ghép thận cho người có HIV khả thi vì có hai lo ngại: Thứ nhất, virus HIV có thể gây tổn hại cho thận.

Thứ hai, các loại thuốc kháng virus - là thuốc kiểm soát virus HIV - rất độc với thận. Chúng tôi đã phải chứng minh rằng một số người nhiễm HIV đủ khỏe mạnh để trở thành người hiến thận và sống được với một quả thận”.

Bác sĩ Dorry Segev chia sẻ thêm, “Những người có HIV không thể hiến máu. Nhưng giờ đây họ có thể hiến thận. Họ mắc một căn bệnh mà 30 năm trước là một án tử hình. Nhưng nay, họ đã đủ sức khỏe để có thể trao đổi sự sống cho người khác”.

“Nhìn chung, thận của người đang sống sẽ tồn tại được lâu hơn sau khi lấy ra khỏi cơ thể để ghép cho người khác. Quả thận được ghép vào gần xương chậu. Và vì đây là một quả thận từ người sống, nó có “hạn sử dụng” lên tới 20 - 40 năm. Sau khi hết giai đoạn này, người nhận sẽ cần ghép một quả thận khác, hoặc tiếp tục quá trình chạy thận hàng ngày”, Tiến sĩ Niraj Desai, phẫu thuật viên Hopkins phụ trách chăm sóc cho người ghép tạng cho biết.

Và nếu số người đang sống chung với HIV hiến tạng tăng lên, nó sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân nhiễm AIDS cần thận được ghép hơn. Nguồn cung thì hiếm, mà số người đợi được ghép lại nhiều, ông cho biết.

Hiện nay ở Mỹ có khoảng hơn 1 triệu người bị nhiễm HIV. Đối với họ, ca ghép thận lịch sử của chị Martinez mang một ý nghĩa to lớn. Theo số liệu của Đại học Johns Hokins, có khoảng 500-600 bệnh nhân HIV có thể hiến tạng mỗi năm. Họ đều mong muốn rằng, các trung tâm y tế ở Mỹ và trên thế giới sẽ tiến hành sàng lọc những người hiến tạng bị nhiễm HIV này và mang lại hy vọng mới và cuộc sống mới cho người khác.

Đọc thêm