|
Sạt lở phức tạp khu vực bờ biển phía đông tỉnh Cà Mau. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau phản ánh, nhiều thị trường lớn đang giảm sức mua, đơn hàng tại các thị trường truyền thống cũng giảm sút mạnh khiến hàng thuỷ sản tồn kho nhiều. Cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên gặp nhiều rủi ro do đối tác thao túng giá, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư, xây dựng trọng điểm; công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đầu tư xây dựng dự án phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu… cũng còn hạn chế, khó khăn.
Cà Mau kiến nghị, đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ một phần vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện.
|
Ông Nguyễn Tiến Hải – Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu tại buổi làm việc. |
“Trong khi nguồn lực nhà nước có hạn, cũng cần có cơ chế xã hội hóa trong đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Thực tế cho thấy, Cà Mau đã thí điểm và rất hiệu quả”, ông Nguyễn Tiến Hải – Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nói.
|
Ông Lê Minh Hoan – Uỷ viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thứ 2 bên phải sang) cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế công trình chống sạt lở ven sông ở huyện Năm Căn. |
Ghi nhận những vấn đề địa phương nêu, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng Cà Mau tháo gỡ khó khăn trong vấn đề về cơ chế đất rừng. Liên quan việc xuất khẩu cua, tỉnh Cà Mau cần chủ động tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu, khi mở ra xuất khẩu thì chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, bán đảo Cà Mau chịu tác động nặng nề nhất. Trong những năm qua, tình hình sạt lở tại Cà Mau đã gây ra nhiều tổn thất về đất đai, hệ sinh thái rừng, trực tiếp đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân. Trước bối cảnh trên, Trung ương đã quan tâm đầu tư kết cấu hệ thống hạ tầng đê biển để giảm thiểu được tác động, thiệt hại.
"Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chú ý vấn đề này, tuy nhiên, trong ngắn hạn thì vẫn phải có chương trình đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế, quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai...”, ông Lê Minh Hoan nói.
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 250.000 ha nuôi cua xen canh. Cua đang là sản phẩm chủ lực, góp phần chủ yếu vào thu nhập của người nuôi thuỷ sản, chỉ đứng sau con tôm tại địa phương. Cà Mau sẽ xây dựng và thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực... Tỉnh Cà Mau kiến nghị các Bộ, Ban, ngành liên quan hỗ trợ, nhất là hỗ trợ đàm phán để xuất khẩu cua chính ngạch.