Mỹ có thể thua Trung Quốc trong cuộc đua trở lại Mặt Trăng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi Mỹ gặp khó khăn với chương trình Artemis, Trung Quốc đang tiến nhanh với mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030. Cuộc đua không gian thế kỷ 21 đang nóng lên từng ngày.
Tàu Starship của SpaceX sẽ đưa các phi hành gia Mỹ tới Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)
Tàu Starship của SpaceX sẽ đưa các phi hành gia Mỹ tới Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)

12 người Mỹ từng đặt chân lên Mặt Trăng từ năm 1969 đến 1972. Giờ đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực để đưa con người trở lại Mặt Trăng trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, chương trình Artemis của Mỹ đang bị trì hoãn do gặp vấn đề với trang phục vũ trụ và phương tiện đổ bộ. Trong khi đó, Trung Quốc đã cam kết đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030 và luôn nổi tiếng với việc tuân thủ đúng tiến độ.

Vài năm trước, kịch bản này dường như khó có thể xảy ra. Nhưng hiện tại, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vượt Mỹ trong cuộc đua mà trước đây Mỹ luôn dẫn đầu.

Chương trình Mặt Trăng của NASA mang tên Artemis, với sự tham gia của các đối tác quốc tế và thương mại để chia sẻ chi phí. NASA đã vạch ra kế hoạch đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng thông qua ba nhiệm vụ, cụ thể: Artemis I, phóng vào tháng 11/2022, đã đưa tàu vũ trụ Orion bay quanh Mặt Trăng mà không có phi hành đoàn.

Artemis II, dự kiến vào cuối năm 2025, tương tự như Artemis I nhưng sẽ chở theo bốn phi hành gia. Họ sẽ không hạ cánh; nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trong Artemis III.

Artemis III sẽ đưa một nam và một nữ phi hành gia, trong đó có người da màu đầu tiên, xuống bề mặt Mặt Trăng.

Ban đầu, Artemis III dự kiến phóng trong năm nay, nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Một đánh giá vào tháng 12/2023 cho thấy xác suất Artemis III không thể phóng trước tháng 2/2028 là 1/3. Hiện tại, nhiệm vụ này dự kiến diễn ra không sớm hơn tháng 9/2026.

Trong khi đó, chương trình không gian của Trung Quốc dường như đang tiến triển với tốc độ nhanh chóng, không gặp phải sự cố hoặc trì hoãn đáng kể. Vào tháng 4/2024, các quan chức không gian Trung Quốc tuyên bố nước này đang đi đúng hướng để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Đây là một bước tiến vượt bậc đối với một quốc gia mới chỉ đưa phi hành gia đầu tiên vào không gian năm 2003. Trung Quốc đã vận hành các trạm vũ trụ từ năm 2011 và đạt được nhiều thành tựu quan trọng thông qua chương trình thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga. Các nhiệm vụ robot này đã mang về các mẫu vật từ bề mặt Mặt Trăng, bao gồm cả từ vùng tối, và thử nghiệm công nghệ quan trọng cho việc hạ cánh của con người. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng, nơi thu hút sự quan tâm lớn do sự hiện diện của băng nước trong các miệng núi lửa.

Trung Quốc đã trình làng bộ đồ du hành vũ trụ "Phi Thiên" dành cho các phi hành gia trên Mặt Trăng vào ngày 28/9/2024. Bộ đồ được thiết kế để bảo vệ người mặc khỏi sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt và bức xạ mặt trời, đồng thời có trọng lượng nhẹ và linh hoạt. Trong khi đó, Axiom Space, công ty sản xuất bộ đồ du hành Mặt Trăng cho Artemis, hiện đang phải sửa đổi một số khía cạnh trong thiết kế do NASA cung cấp.

Tàu đổ bộ Starship của SpaceX, được NASA ký hợp đồng chế tạo vào năm 2021, cũng đang bị trì hoãn. Starship đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm thứ năm vào ngày 13/10/2024, nhưng vẫn cần nhiều bước thử nghiệm đầy thách thức trước khi có thể đưa phi hành gia xuống bề mặt Mặt Trăng.

Đọc thêm