Cà Mau sáng tạo trong công tác tuyên truyền pháp luật

(PLO) - Thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPH PBGDPL) Trung ương, Sở Tư pháp Cà Mau với vai trò tham mưu đã kịp thời tư vấn, tham mưu cho UBND, Hội đồng phối hợp tỉnh ban hành, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Với hình thức sân khấu hóa đã giúp pháp luật đến gần người dân hơn
Với hình thức sân khấu hóa đã giúp pháp luật đến gần người dân hơn

Người tuyên truyền phải thực sự hiểu luật 

Theo đó, tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều văn bản pháp luật mới cho 295 lượt đại biểu là thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, pháp chế các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan có liên quan. Đồng thời,  tỉnh đã tổ chức 15 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Trợ giúp pháp lý năm 2017, Kỹ năng hòa giải; Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2017, Bộ luật Dân sự 2015 cho 1820 đại biểu là tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ đoàn, hòa giải viên... Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ PBGDPL, đội ngũ làm công tác PBGDPL không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực tế, kiến thức ngành.

Trong năm 2018, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức được 18 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 2000 đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên, cán bộ đoàn, phụ nữ, nông dân ở cơ sở. Ngoài ra, để người dân biết luật, hiểu luật và áp dụng vào thực tế cuộc sống, Sở đã tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu pháp luật năm 2018” thông qua các tiết mục sân khấu như kịch, cải lương, hoạt cảnh.... nhằm tập trung tuyên truyền sâu, rộng nội dung của Hiến pháp năm 2014, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Qua đó, có 9/9 huyện, thành phố và các sở, ngành đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện. Kết quả trong năm 2018, các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức 15 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 150 thí sinh và hơn 4000 cổ động viên tham gia. Hội thi đã tái hiện lại các tình huống pháp luật thực tế đời sống cùng với hướng xử lý khéo léo, linh hoạt để làm nền tảng giúp người dân hiểu rõ và ứng xử phù hợp.

Tuyên truyền pháp luật đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội
Tuyên truyền pháp luật đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội

Hình thức tuyên truyền đa dạng

Không những thế, để kiến thức pháp luật lan tỏa hơn nữa, Sở Tư pháp đã phát hành 10 số Bản tin Tư pháp, số lượng 24.000 quyển; chuyên đề “Pháp luật và Đời sống” phát sóng được 12 kỳ. HĐ PH PBGDPL cấp tỉnh cũng quan tâm đến vấn đề chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, xác định trọng tâm, trọng điểm, cơ chế phối hợp PBGDPL và tổ chức các hoạt động tuyên truyền PBGDPL hướng tới Ngày Pháp luật nước CHXH Việt Nam chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực quản lý.

Đặc biệt, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nữ trong các doanh nghiệp, nạn nhân trong bạo lực gia đình v.v... luôn được quan tâm. Hơn nữa là đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiên nhiệm vụ PBGDPL học đường. Lồng ghép với sinh hoạt thường lệ của chi bộ và đoàn thể, PBGDPL thông qua phiên tòa xét xử lưu động. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt những kết quả khả quan, tích cực. Theo đó, tỉnh đã tổ chức được 7.235 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn hơn 578.800 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền PBGDPL tập trung trọng tâm vào nội dung Hiến pháp nước CHXHCN, triển khai Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế như: Hội nghị triển khai, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, đối thoại, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, sinh hoạt pháp luật tại cộng đồng v.v... 

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực quyết tâm của các cơ quan, đơn vị nên các Chương trình, Đề án PBGDPL đã triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả quan trọng. Thành viên HĐPH PBGDPL bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, Đề án, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL được triển khai thực hiên đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, huy động được nhiều đối tượng tham gia. Song song đó, nguồn nhân lực tham gia công tác PBGDPL không ngừng được củng cố, kiện toàn, nhất là HĐPH (cấp tỉnh, huyện) Ban chỉ đạo các chương trình, Đề án, cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL trong cơ quan Tư pháp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. 

Đọc thêm