Cà Mau thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển bền vững

(PLVN) - Công tác xúc tiến và đầu tư trên địa bàn tỉnh được triển khai khá toàn diện và đồng bộ qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Đồng thời, kêu gọi đầu tư được tăng cường thường xuyên, chú trọng lồng ghép, kết nối các hoạt động xúc tiến trong các lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp…nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, giảm chi phí cho ngân sách tỉnh nhà

Thu hút đầu tư trong nước – ngoài nước

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cà Mau đã mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực; tiếp và làm việc với các nhà đầu tư của các quốc gia, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và các nhà đầu tư trong nước như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc,... qua đó, một số kết quả đã đạt được như vận hành tuyến tàu du lịch kết nối Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc; thu hút được một số nhà đầu tư lớn đăng ký thực hiện các dự án lớn, trọng điểm: Nhà máy điện gỗ, các khu đô thị mới: Sông Đốc, Năm Căn, Đầm Dơi. Đặc biệt, các dự án liên vùng: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau...

Trong tương lai gần, TP Cà Mau phấn đấu trở thành đô thị loại I.
Trong tương lai gần, TP Cà Mau phấn đấu trở thành đô thị loại I. 

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án động lực: Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng Khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, đầu tư hạ tầng Trung tâm Tài chính - Thương mại Khu kinh tế Năm Căn, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau; ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng những yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, Cà Mau đã thu hút đầu tư được 193 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 51.118,34 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 343 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 121.974,85 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn này đã thu hút được 7 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 387,331 triệu USD; lũy kế hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 393,62 triệu USD.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2019, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau xếp hạng 45/63 tỉnh, thành trong cả nước, nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên bản đồ PCI cả nước; chỉ số cải cách hành chính xếp hạng 49/63; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Cà Mau xây dựng, phát triển ngành thủy sản bền vững…
Cà Mau xây dựng, phát triển ngành thủy sản bền vững… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, từng khẳng định:  “Đây là kết quả của sự chỉ đạo kỳ quyết, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau. Đồng thời, có sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh...”.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thuận lợi và khó khăn đan xen, từ kết quả đạt được như trên, từ công tác quy hoạch để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương nhằm góp phần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững,… tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, cần quy định mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với các chủ trương của Trung ương về đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; dự báo tình hình địa phương tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức ở nội tại nền kinh tế: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp… nhất là tỉnh đang chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 tác động mạnh đến thế mạnh kinh tế…,

Cà Mau tạo dựng thương hiệu, hướng tới ngành kinh tế du lịch mũi nhọn.
 Cà Mau tạo dựng thương hiệu, hướng tới ngành kinh tế du lịch mũi nhọn.

Theo đó, tiếp tục đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư; Tập trung thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; kinh tế biển; năng lượng… Kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Định hướng cho giai đoạn 2021- 2025, Cà Mau tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tăng cường hợp tác, liên kết vùng. Tập trung xúc tiến đầu tư dự án trọng điểm của tỉnh, dự án động lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà bền vững./.

Đọc thêm