Cà Mau tìm giải pháp lâu dài đối phó sụt lún, sạt lở: Hành động và kỳ vọng

(PLVN) - Trong chuyến kiểm tra thực tế tại hiện trường đê biển Tây mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương khẩn trương hơn trong việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhất là với những công trình, dự án mang tính khẩn cấp. 

Cùng với đóChủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, tập trung phương tiện, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, sớm ổn định cuộc sống cư dân ven biển, bảo vệ sản xuất, cố gắng hoàn thành các công việc trước mùa mưa bão.

Kỳ 3: Hành động và kỳ vọng

Qua kiểm tra thực tế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đặc biệt là việc bơm cát, bơm bùn khắc phục sụp lún, sạt lở đê biển Tây (đoạn Đá Bạc – Kênh Mới) trước mùa mưa bão năm nay. Không thể khoanh tay đứng nhìn và chờ đợi mà phải hành động. 

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (đứng thứ hai hàng đầu từ trái sang) chuyến kiểm tra thực tế tại hiện trường đê biển Tây vào sáng ngày 22/4.

Trước mắt tỉnh Cà Mau sử dụng cơ giới đào một con kênh phía trong con kinh hiện hữu vốn đã khô cạn nằm song song với tuyến đê biển Tây, đoạn Đá Bạc - Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

Theo nhận định, do con kinh cũ đã khô cạn vì hạn hán, cùng với việc thân đê trước đây được xây dựng trên nền đất yếu, khả năng có túi bùn phía dưới, thế nên khi con kinh không còn phản áp, kéo theo túi bùn trượt đã gây nên sự cố sụt lún, phá vỡ hoàn toàn thân đê như đã qua. Việc đào kinh mới lấp kinh cũ không những gây phản áp, đó còn tạo mái đê đủ lớn để túi bùn không thể trượt; cùng với đó là tạo nơi ăn, chốn ở ổn định, tiện lợi cho cư dân ven biển; con kinh mới đủ rộng, đủ sâu, sẽ là giao thông thủy quan trọng để vận chuyển hàng hóa, dẫn và trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp… 

Sụt lún đê biển Tây thuộc ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) nghiêm trọng, có chổ sụt sâu hơn 2 mét. 

Đối với một số công trình đang xây dựng trên tuyến đê biển Tây đoạn Kênh Mới – Sông Đốc còn chậm do vướng giải phóng mặt bằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo lãnh đạo huyện Trần Văn Thời phân loại kỹ từng hộ dân, thời gian ở, đất đai do ai quản lý, xây dựng nhà ở có được cấp phép hay không.

Trên cơ sở đó, xử lý theo từng đối tượng cụ thể, nếu cấp phép vào loại đất không được cấp phép theo quy định của pháp luật thì phải thu hồi ngay quyết định; trước đây chính quyến cấp nào cấp giấy tờ, thì bây giờ chính quyền cấp đó phải có trách nhiệm thu hồi lại ngay. 

 Máy bơm hoạt động với công suất trong 24/24 giờ, đưa bùn, cát vào lòng kinh ven chân đê, tạo phản áp, ngăn chặn sụt lún tuyến đê biển Tây.

Triển khai thi công 6 gói thầu kè bờ biển Tây 

Theo đó, ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện tại, Sở đã và đang thực hiện rất nhiều công trình nhằm sửa chữa nâng cấp kè đồng thời khắc phục tình trạng sụp lún trên khu vực đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành xử lý chống thấm bản đáy của 1 cống, triển khai các dự án thi công kè bờ biển Tây với 6 gói thầu với chiều dài khoảng 9.700m, và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ông Lê Triều nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng Bờ kè chống sạt lở tại cửa biển Hương Mai đang được triển khai thi công cũng đã đạt 35% khối lượng so với hợp đồng. Cụ thể: Tổng chiều dài tuyến kè phía ngoài biển, phía trong sông là 1.143m, đã đóng cọc 278m/1.143m và đang đổ đà đầu cọc và thả đá hộc Đoạn trong sông chỉ thi công đóng cọc được 130m kè, còn lại 865m vướng mặt bằng.

 Công nhân dùng xe cuốc đóng vỉ cừ tràm, kè rọ đá mái đê biển Tây để chống sạt lở (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) ngày 28/4.

Tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ông Lê Phong - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: Chính quyền địa phương và người dân cũng đã bước đầu khắc phục những vụ trí sụt lún trên các tuyến lộ giao thông nông thôn ở những nơi có điều kiện tập kết vật tư, khôi phục lại mạch giao thông bộ cho người dân khi giao thông thủy đã chia cắt hoàn toàn.

Về xử lý sự cố xảy ra tại đê biển Tây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra, chỉ đạo giải quyết sự cố sụt lún công trình theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công  trình xây dựng; khẩn trương triển khai phương án khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, nhất là trong các tình huống triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới.

 Công nhân đang kè rọ đá mái đê biển Tây (ngày 28/4).


Anh Nguyễn Thanh Liêm (ngụ tại xã Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau) công nhân kè rọ đá mái đê biển Tây.

Cà Mau là địa phương duy nhất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời để sinh hoạt và sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Do đó, mưa thì ngập, mà nắng thì hạn, hai mùa thừa và thiếu cứ luân phiên như là một điệp khúc tác động lên mọi mặt đời sống và sản xuất của người dân. Theo đó, hệ thống thủy lợi cho vùng ngọt cũng chỉ ngăn mặn, tháo úng.

Nói về vấn đề nước phục vụ sản xuất, ông Lê Thanh Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) gợi ý Cà Mau nên căn cứ theo lượng nước mà bố trí lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Cụ thể, chỉ nên sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu nhằm chủ động và đảm bảo về nguồn nước, vấn đề là tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nhìn trên thực tế thì sau vụ hè thu, nước trên đồng vùng ngọt thừa cho trồng lúa, phải bơm bỏ thì không thể sản xuất được vụ màu. Mà nước bơm bỏ đầu vụ thì cuối vụ lại thiếu nước. 

 Cống Kênh Mới, thuộc ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) tập trung phương tiện, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm ổn định cuộc sống của cư dân (ngày 28/4).

Trước đó, sau chuyến đi kiểm tra thực tế những gì mà hạn hán gây hại nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh của Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải về giải pháp xứ lý các vị trí sụt lún trên tuyến đê biển Tây đã được quyết ngay tại vị trí xảy ra sự cố, triển khai đến các ngành chuyên môn cùng thực hiện theo cơ chế khẩn cấp.

Cùng với đó, tỉnh ban hành ngay Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh, làm cơ sở xử lý các vị trí sụt lún bằng các giải pháp công trình. 

 Đê biển Tây đang được triển khai nhiều  biện pháp công trình hạng mục nhằm khắc phục tình trạng sụt lún đê biển…, (ngày 28/4).

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý các sự cố công trình do hạn hán gây ra trên địa bàn. Đồng thời, chủ động di dời, sơ tán khi phát hiện nhà ở, nơi ở có dấu hiệu sạt lở, sụt lún hoặc gần các khu vực có dấu hiệu sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, đặc biệt đối với các hộ dân sinh sống ở các khu vực ven sông, ven đê biển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản./.

Khắc phục sụp lún, sạt lở đê biển (đoạn Đá Bạc – Kênh Mới) Cụ thể, tại khu vực Kè đoạn từ Bắc Hương Mai +1500 đến Kênh xáng tuyến 4 (2.000m) đang được triển khai thi công, khối lượng đạt 28% khối lượng so với hợp đồng; gói thầu số 38 (Kè đoạn từ Kênh Xáng tuyến 4 đến Móng Chim) cũng đã đạt 20% khối lượng so với hợp đồng (thi công đóng cọc BTCT DƯL đạt 575m/2000m, đỗ bê tông đà giằng đạt 0m/2000m);
Khu vực Kè đoạn từ Móng Chim đến Năm Quay cũng đang triển khai thi công tới 45% khối lượng so với hợp đồng (thi công đóng cọc BTCT DƯL đạt 1500m/2000m, đỗ bê tông đà giằng đạt 780m/2000m). Đang triển khai thi công gói thầu số 40 đoạn từ Năm Quay đến Tiểu Dừa (2.139m), và cũng đã đạt 28% khối lượng so với hợp đồng. Đối với Khu vực Kè đoạn phía bờ Bắc vàm cống T29 dài 561m (tiếp giáp đoạn kè 800m) đã đạt 5% khối lượng so với hợp đồng; và khu vực Kè đoạn phía bờ Nam vàm cống T29 dài 1.000m cũng đạt 40% khối lượng so với hợp đồng. 

Đọc thêm