Theo đó, sau khi xem xét báo cáo của Sở NN&PTNT về tình hình cá nuôi lồng trên sông bị chết, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá. Bên cạnh đó cần tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Sở TN&MT tỉnh Hải Dương được giao thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; thông báo kết quả quan trắc hàng ngày đến Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố, thị xã để thông tin tới người nuôi cá lồng biết. Sở TN&MT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp với UBND các đơn vị để tổ chức rà soát các nguồn nước thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.
UBND huyện, thành phố, thị xã cũng được yêu cầu rà soát theo dõi đánh giá hoạt động nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục, thu gom, xử lý cá chết.
Các địa phương cần phối hợp với Sở TN&MT rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông, thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng ngày tới người nuôi cá lồng. Báo cáo tình hình cá nuôi lồng bị chết về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Điện Lực Hải Dương được giao phải đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.
|
|
Cá nuôi lồng bè thường là những loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm giòn, chép giòn, điêu hồng, cá lăng... |
Như báo PLVN đã đưa tin, ngày 05/4, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã phối hợp với cục Thủy sản và viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra hiện tượng cá chết địa bàn. Đoàn công tác lấy các mẫu nước trong lồng, lấy mẫu nước sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Cá lồng chết, hiện nay tập trung nhiều ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương).
Theo nhận định vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường lồng nuôi với mật độ cao, các con yếu sẽ bị chết rải rác. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí, khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đến ngày 5/4, toàn tỉnh đã có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng bị chết.