Cà phê và rừng

(PLVN) -Bộ NN&PTNT phối hợp Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) vừa tổ chức Hội nghị "Sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu".
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 16/5/2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng.

Theo Quy định này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê, khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Nói cách khác, quy định EUDR cũng có nét giống như quy định IUU; là hải sản từ hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý; cũng sẽ không vào được thị trường châu Âu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nhấn mạnh, quy định EUDR khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê. Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.

Nói một cách đơn giản, làm sao để cà phê vẫn ngày càng lên xanh, mà rừng vẫn không mất đi. Khó, nhưng thậm chí phải có góc nhìn, tư duy biến khó khăn thành cơ hội. Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu quan điểm coi việc tuân thủ quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Để làm được điều này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để chuẩn bị sẵn sàng thông tin đáp ứng Quy định của EU, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững, bảo đảm sinh kế cho nông dân.

Nhìn nhận như vậy, để thấy rằng luật chơi của toàn cầu vì một trái đất xanh là đáng tôn trọng. Quan điểm rõ ràng của lãnh đạo Bộ NN&PTNT như nêu trên góp phần chứng minh việc Việt Nam luôn tuân thủ các quy định quốc tế, các hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết cam kết; chứng minh chúng ta đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế của thế giới là nền nông nghiệp hướng đến minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh; đến nguyên tắc sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội.

Đọc thêm