Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ngoài vùng biển Thừa Thiên Huế; do một số khó khăn trong công tác xây dựng định mức và tình hình thời tiết tại địa phương.
Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)
Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)

Khó khăn trong công tác thẩm định phê duyệt dự toán

Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản do Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Đây là một trong các dự án có nguồn vốn từ nguồn bồi thường của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án được lập và phê duyệt với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, gồm hai hợp phần: Thả rạn nhân tạo (tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng) và trồng, phục hồi rạn san hô (kinh phí 20 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự kiến đến hết 2024.

Dự án triển khai với mục tiêu hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú; giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy đến các khu vực tập trung sinh, khu vực thủy sản còn non sinh sống; nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; phục hồi các hệ sinh thái là nơi cư trú các giống loài thủy sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, với hợp phần thả rạn nhân tạo, hiện nay các hạng mục đang trong quá trình triển khai thi công tại vùng biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), với diện tích khoanh vùng thả rạn trên biển khoảng 300ha. Hiện tại, do thi công trực tiếp trên biển nên chịu nhiều ảnh hưởng thời tiết, đặc biệt trong khoảng thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Sóng trên biển rất lớn đã gây khó khăn trong việc thả các khối rạn.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai thi công, giá trị thực hiện đến nay đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Nguồn vốn bố trí cho dự án năm 2024 là 140 tỷ đồng, đến nay giải ngân đạt 79%.

Với hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô; do dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật trồng và phục hồi san hô chưa có; nên đang gặp khó khăn trong công tác thẩm định phê duyệt dự toán để triển khai các bước tiếp theo.

Gặp khó về quy trình, thời tiết, địa giới hành chính…

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc dừng thực hiện hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản. Trước đó, theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, phục hồi san hô để phục vụ thực hiện dự án theo thẩm quyền. Tuy nhiên, qua rà soát công tác xây dựng định mức trong trường hợp giao địa phương thực hiện, gặp một số khó khăn như quy trình trồng, phục hồi san hô dự kiến sẽ gồm 6 - 8 công tác, mỗi công tác sẽ phải xây dựng 1 định mức tương ứng và thời gian thực hiện tối thiểu khoảng 5 tháng (gồm 1 tháng phê duyệt kinh phí, lựa chọn đơn vị tư vấn 1 tháng, 3 tháng để thực hiện).

Ngoài ra, quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam hiện nay Bộ NN&PTNT đang giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thử nghiệm các phương pháp nuôi cấy, phục hồi san hô cứng tại khu vực Hải Vân - Sơn Chà nên chưa đủ cơ sở để áp dụng xây dựng định mức. Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức cho công tác trên là đặc thù và trong điều kiện hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng không có đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, ngày 18/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, thì hòn Sơn Chà giao TP Đà Nẵng quản lý. Trong khi chờ các thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện, xác định đường địa giới trên thực địa và các nội dung khác có liên quan, quá trình tiếp tục triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô gặp rất nhiều khó khăn và không bảo đảm thời hạn hoàn thành dự án.

Chưa hết, hiện đã bước vào mùa mưa bão, thời gian thuận lợi để triển khai thi công không còn, dẫn đến không bảo đảm thời hạn hoàn thành dự án theo quy định. Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ NN&PTNT dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi rạn san hô do không còn thời gian để thực hiện.

Hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án với nội dung trồng và phục hồi san hô sẽ tiếp tục được sử dụng và thực hiện sau khi định mức trồng và phục hồi san hô được ban hành.

Đọc thêm