Ấm ức khi bị “xài chùa” sản phẩm âm nhạc
Ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên các trang mạng. Sản lượng băng đĩa của hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ. Chỉ một ngày sau khi ca sỹ Văn Mai Hương giới thiệu về “Mười Tám+” chuẩn bị phát hành thì trên rất nhiều trang mạng, diễn đàn âm nhạc đã xuất hiện công khai những đường link chia sẻ toàn bộ nội dung của album. Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca sĩ bị các trang mạng “ăn cắp đứa con tinh thần”.
Không chịu nổi việc bị “xài chùa”, có một số ca sĩ đã đứng lên khởi kiện các trang mạng vi phạm bản quyền. Như trường hợp Lệ Quyên tố cáo 9 trang web đăng tải trái phép hai album “Tình khúc xưa 2” và “Tình khúc yêu thương”. Thái Thùy Linh lên tiếng tố cáo album “Bộ đội” của cô bị vi phạm bản quyền, các trang web đăng tải trái phép đã có lượt nghe/tải lên tới 700.000 là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng album ra mắt được nửa năm mà lượng bán mới chỉ dừng lại ở con số vài trăm.
Ngoài ra, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Lê Cát Trọng Lý, Cẩm Ly - Quốc Đại... cũng nhiều lần phản ứng vì bị vi phạm bản quyền. Năm 2014 cũng nở rộ nhiều vụ kiện tụng liên quan đến vi phạm bản quyền của các đơn vị kinh doanh nhạc số như vụ công ty của ca sĩ Đăng Khôi kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền hay trưởng nhóm Bức Tường Trần Lập đưa Zing MP3 ra tòa vì đăng tải bài hát “Đường đến vinh quang” do anh sáng tác mà không xin phép…
Kiện là một chuyện, thắng kiện hay không lại là chuyện khác. Sau những thỏa thuận giữa hai bên, Trần Lập đã rút lại đơn kiện. Còn lại những ca sĩ khác mỏi mòn theo kiện tụng hay chán chường đành để “khuất mắt, trông coi” khi bị nhà mạng và người dân “xài chùa” sản phẩm âm nhạc của mình. Những vụ kiện vi phạm bản quyền như thế này không thể nói trước thời gian sẽ kéo dài bao lâu, có thể là nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Theo một vụ kiện tụng bản quyền, không những tốn thời gian, tiền bạc, mà khả năng thắng kiện cũng rất mong manh. Cùng lắm cũng chỉ biết lên tiếng trước công luận như trường hợp NSƯT Quốc Hưng với album “Những bản tình ca đỏ”. Lại có trường hợp rõ ràng bị vi phạm nhưng không biết gõ cửa nào để xử lý như NSƯT Khánh Hòa băn khoăn việc album “Gần lắm Trường Sa” có rất nhiều lượng nghe/tải trên mạng trong khi nữ ca sĩ này chưa ký bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến việc sử dụng những ca khúc của mình trên mạng.
Ca sĩ Lệ Quyên cho rằng: “Dẫu biết tình trạng vi phạm bản quyền nghệ sĩ Việt ai cũng bị chứ không riêng gì tôi nhưng sự vi phạm càng ngày càng quá đáng. Sự vi phạm chủ yếu được tiếp tay bởi các nhà mạng. Album của tôi chưa công bố nhưng trên mạng đã có. Đây là hành động ăn cắp bản quyền trắng trợn. Thật sự nghệ sĩ như chúng tôi cảm thấy không được tôn trọng. Tôi lên tiếng một lần để mong muốn sự tôn trọng nghệ sĩ và những nơi vi phạm phải hiểu công sức mà nghệ sĩ bỏ ra”.
Ca sĩ Văn Mai Hương |
Chỉ có khoảng 1% lượng download có bản quyền!
Nhiều ca sĩ thấy thiệt thòi khi ở Việt Nam, nhạc sĩ còn có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đứng ra bảo vệ, còn ca sĩ chẳng mấy ai ngó ngàng. Một album có chất lượng rất tốn kém vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, trong khi nạn vi phạm bản quyền hoành hành đã khiến các hãng sản xuất không còn mặn mà đầu tư nên các ca sĩ đều phải tự bỏ tiền đầu tư. Mà càng đầu tư, thua lỗ càng nặng.
Thị trường âm nhạc kỹ thuật số đang nắm vai trò chính, hầu như không có album nhạc nào không phát hành ở dạng kỹ thuật số. Cách nghe thay đổi và nó cũng làm thay đổi diện mạo âm nhạc, hay nói chính xác hơn là thị trường giải trí. Theo số liệu từ Ban tổ chức Zing Music Awards, số lượng người dùng truy cập vào ứng dụng Zing MP3 trên di động ngày càng tăng. Nếu như năm 2013 là 5 triệu người dùng thì năm 2014 con số đã là 25 triệu người và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong số đó có 6 triệu người nghe trên điện thoại di động. Đây thực sự là một thị trường vô cùng tiềm năng nếu biết mỗi người nghe chỉ phải trả 3.000 đồng/tháng thì doanh thu sẽ lên tới gần 1.000 tỉ đồng mỗi năm.
Thế nhưng, hiện chỉ có một số trang web âm nhạc gồm Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac… thu phí tải nhạc (1.000 đồng/bài hát). Con số này quá nhỏ so với tổng số hơn 150 trang web trực tuyến hiện nay vi phạm bản quyền.
Ông Giles Cooper - luật sư quốc tế, Cty Luật Duane Morris Việt Nam nhận định: “Chỉ có khoảng 1% lượng download và cung cấp sản phẩm trên mạng tại Việt Nam có bản quyền. Như vậy có nghĩa là 99% còn lại là không bản quyền. Số lượng download và cung cấp sản phẩm bất hợp pháp như thế này, trên thế giới khoảng 63%”.
Ông Cooper cũng cho rằng ý thức của người nghe là một khó khăn lớn: “Hầu hết mọi người mà tôi biết đều không cho đây là vấn đề lớn. Tuy nhiên, khi nhìn vào các nghệ sĩ tại chính nước mình, các bạn sẽ thấy rằng họ cần được hỗ trợ như thế nào, bằng cách bảo vệ sự sáng tạo cho họ để cạnh tranh với thế giới. Nếu không sẽ cực kỳ khó để phát triển”.
Không chỉ ca sĩ, Hiệp Hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) đã chính thức gửi công văn đến cơ quan quản lý về việc các website nghe nhạc trực tuyến đang vi phạm bản quyền. Theo RIAV, những website này đang ngang nhiên sử dụng bất hợp pháp các nội dung trong kho nhạc hơn 40.000 bài hát của mình. Mặc dù chưa rõ vụ việc sẽ được xử lý thế nào nhưng một lần nữa cuộc chiến giữa RIAV và các trang nghe nhạc trực tuyến lại tiếp tục bùng phát.
Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức, trong khi nhà sản xuất chương trình bị thiệt hại hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng khi bị “xài chùa”. Mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm bản quyền quá nhẹ so với hậu quả mà hành động đó mang đến. Đáng nói hơn, sau 3 năm hiệu lực thực thi, rất hiếm có đơn vị tổ chức hay cá nhân nào bị phạt.
Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền chẳng khác nào… “trứng chọi đá”. Việc “xài chùa” trên các trang mạng là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển âm nhạc Việt.