Ca sĩ ứng xử thế nào cho văn hóa?

(PLO) - Ai cũng có quyền nêu ý kiến của mình, có thể đúng, có thể sai, có thể vừa sai, vừa đúng,... nhưng đó là xuất phát từ cái nhìn và đánh giá của cá nhân trước một sự kiện dư luận đang quan tâm thì nên được tôn trọng. Chắc chắn, đó là cách ứng xử văn hóa.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xin lỗi vụ kí tên lên tranh  (Ảnh minh họa)
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xin lỗi vụ kí tên lên tranh (Ảnh minh họa)

Nêu chính kiến của mình cùng với việc phủ nhận “quyền được nói” của người khác là biểu hiện coi thường người khác. Đó là hành vi thiếu khôn ngoan lẫn văn hóa và nhận sự phản ứng chẳng hay ho gì. Trường hợp của cô ca sỹ phát biểu: “Các bạn có quyền gì để phán xét” là dẫn chứng như một bài học đáng giá cho chuyện này. Đẩy sự việc lên cao hơn, ví dụ như khởi kiện người xúc phạm hoặc tự xếp mình vào giới “tinh hoa quý tộc” chỉ làm tình trạng xấu thêm mà thôi, nó sẽ vượt ra khỏi sự việc ban đầu để sang một lĩnh vực khác, trầm trọng hơn.

Việc các ca sỹ ký tên mình lên bức tranh đấu giá là một hành vi phản cảm, thiếu văn hóa là đương nhiên và cũng đương nhiên phải nhận “bão” chỉ trích của dư luận. Nhưng thái độ của một trong người đã ký tên lên bức tranh này đã hóa giải được một phần bức xúc của dư luận khi anh nhận lỗi một cách chân tình, công khai xin lỗi họa sỹ, tác giả bức tranh cũng như thừa nhận sự kém hiểu biết của mình. Đó là một thái độ ứng xử văn hóa.

Tương tự, tạo ra những “xì-căng-đan” để quảng bá, lôi cuốn khán giả khi một bộ phim sắp được công chiếu là việc gì đó không mới và cũng không văn hóa, có thể dẫn đến việc tẩy chay bộ phim, đặc biệt là chuyện tình giả trong phim và tình thật ngoài đời như chuyện vừa xảy ra với phim “Chú ơi, đừng cưới mẹ con” vừa qua. 

Sự việc nghiêm trọng đến nỗi nhà sản xuất có ý định khởi kiện. Người gây ra chuyện này, diễn viên nam chính trong phim đã công khai xin lỗi, tự nhận những sai lầm do tính “tự cao, ngạo mạn”. Đó là thái độ chấp nhận được trong hoàn cảnh này.

Chỉ là nêu ý kiến, tranh luận thôi nhưng cũng có thể dẫn đến kiện cáo và tẩy chay. Người ta có thể tẩy chay bộ phim mà chưa từng xem bởi cách ứng xử của diễn viên trong bộ phim đó và có thể tẩy chay sản phẩm mà người xúc phạm đến số đông làm đại sứ thương hiệu. Những “vũ khí” được đưa ra nhằm “hạ gục” đối phương nằm bên ngoài cuộc tranh luận nhưng đó là phát sinh, hệ quả của việc tranh luận đó.

Chung quy lại, sự thiếu tôn trọng những ý kiến khác biệt hoặc quá “tôn trọng” mình sẽ đẩy sự việc đi rất ra và nhận lại hậu quả không đáng có và rất đáng tiếc!