Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Với nhiều quy định cụ thể tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, công tác phòng, chống thiên tai sẽ hiệu quả hơn.
Với nhiều quy định cụ thể tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, công tác phòng, chống thiên tai sẽ hiệu quả hơn.

Tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền nào công bố quyết định?

Nghị định 66/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/8/2021; thay thế Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; bãi bỏ Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 và Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/1/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Nghị định trên quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66kV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.

Nghị định nêu rõ thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Theo quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả của bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai.

Chế độ tiền lương, trợ cấp với lực lượng xung kích cấp xã

Nghị định 66 còn quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Đối với người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập: Mức trợ cấp theo ngày được huy động không thấp hơn 59.600 đồng; đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai: Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày không thấp hơn 119.200 đồng. Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp quy định. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

Trường hợp bị chết, bị tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng. Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 7.450.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.

Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp

Nghị định quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:

1- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;

2- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;

3- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

4- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;

5- Các biện pháp cần thiết khác;

6- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

Đọc thêm