Các cam kết về thương mại điện tử được quy định trong EVFTA mở ra nhiều cơ hội mới

(PLVN) - Các cam kết về thương mại điện tử được quy định trong EVFTA mở ra nhiều cơ hội mới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản địa lý và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng châu Âu. Nhất là, trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết.
Các đại biểu tham gia dự án.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình SheTrades (Trung tâm Thương mại quốc tế) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam khởi động Dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam”.

Dự án đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của gần 100 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thuộc các ngành hàng: Dệt may, thực phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ…

Lễ khởi động Dự án chiều 25/11 có tham gia của đại diện Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Đối tác dự án – Trung tâm thương mại Quốc tế ITC cùng với các diễn giả đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương Việt Nam, Alibaba.com Việt Nam, World First Việt Nam và đại diện một số cơ quan quốc tế.

Phát biểu tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, tiếp nối sự thành công của Cuộc thi “Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công” năm 2021 và Hội thảo “Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân - Nỗ lực để thành công” năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại kết hợp với chương trình SheTrades của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC SheTrades) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn vào thương mại số, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nữ làm chủ.

Dự án hướng đến mục tiêu tạo ra cơ hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo và hợp tác xã có phụ nữ quản lý, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu bình đẳng giới.

Theo ông Christoph Prommersberger, Phó Trưởng Phái đoàn, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, một trong những mục tiêu chính tại Đại sứ quán là tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hà Lan. Đến nay, mối quan hệ này đã đạt được những thành tựu đáng kể, điển hình như Hà Lan lâu nay vẫn là nhà đầu tư EU lớn nhất tại Việt Nam và là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU.

Ông Christoph Prommersberger cho hay, tại Việt Nam, phụ nữ chỉ chiếm 23% tổng số doanh nhân, trong khi ở Hà Lan, con số này là 37%. Do đó, Chính phủ Hà Lan cam kết trao quyền cho các nữ doanh nhân, cả trong nước và toàn cầu.

Thời gian qua, Cục Doanh nghiệp Hà Lan, thông qua Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Sự hỗ trợ của Cục Doanh nghiệp Hà Lan cho dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” thể hiện sự tiếp nối các sáng kiến hỗ trợ đang diễn ra ở Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra việc làm, đảm bảo dòng tiền lưu thông khắp các ngóc ngách trong xã hội và tạo điều kiện phân phối thu nhập công bằng, do đó thúc đẩy tính hòa nhập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đi kèm với những thách thức trong tiếp cận nguồn vốn, kỹ năng quản trị, năng suất và phạm vi thị trường. Khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam tập trung mạnh vào thị trường trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang bỏ lỡ những cơ hội lớn trên thị trường nước ngoài.

Tại Hội thảo, bà Judith Fessehaie - Quản lý SheTrades, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) bày tỏ, trang bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ có khả năng tiếp cận thương mại quốc tế, chúng ta có thể mở khóa tiềm năng tăng trưởng của họ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bà Judith Fessehaie nhấn mạnh, sự hợp tác là xương sống của sáng kiến này. Vương quốc Hà Lan, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), ITC SheTrades và các đối tác từ khu vực công và tư nhân đã và đang hợp tác xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ các nữ doanh nhân trong từng bước của hành trình. Nỗ lực chung này nhấn mạnh sức mạnh của việc hợp tác để tạo ra tác động thực tế.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong trong những năm gần đây, trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam. Thương mại điện tử đã cách mạng hóa thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp ở mọi quy mô tiếp cận được với thị trường toàn cầu.

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia đến từ Cục xúc tiến thương mại, Alibaba Việt Nam, WorldFirst Việt Nam và Công ty Simple Decor chia sẻ nhiều thông tin thiết thực về những thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thời đại công nghệ số. Các doanh nghiệp được cung cấp thông tin về những cơ hội và thách thức của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bao gồm giảm thuế quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường tiềm năng xuất khẩu. Ngoài ra, Dự án còn giới thiệu về các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.com để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

Đọc thêm