Các chốt kiểm soát dịch tại TP Hồ Chí Minh sẽ chủ yếu tuần tra lưu động

(PLVN) - Trong những ngày qua, một vài chốt kiểm soát giấy “thông hành” tại các quận, huyện xảy ra tình trạng ùn tắc, dẫn đến tập trung đông người, gây ảnh hưởng công tác phòng chống dịch nên Công an TP HCM chỉ đạo thay đổi phương thức hoạt động.
 Công an TP HCM chú trọng tuần tra giám sát, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, thay vì kiểm tra giấy “thông hành” tại chốt kiểm soát.
Công an TP HCM chú trọng tuần tra giám sát, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, thay vì kiểm tra giấy “thông hành” tại chốt kiểm soát.

Tăng cường tuần tra, giám sát, nhắc nhở, xử phạt

Trong ngày 12/7, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra tại nhiều chốt kiểm soát. Nhưng đến ngày 13/7, tình trạng ùn tắc đã không xảy ra, do các chốt chủ động kiểm soát và xả chốt khi có đông phương tiện. Trước tình hình đó, Công an TP HCM đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP.

Theo đó, các chốt kiểm soát bên trong TP vẫn giữ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ không xét giấy kiểm tra ở các chốt trong nội ô TP vì có thể dẫn đến ùn ứ. Thay vào đó, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, giám sát, nhắc nhở, tuyên truyền để mọi người tự giác, không đi ra ngoài khi không cần thiết. Riêng 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ ra vào TP vẫn giữ lại, hoạt động kiểm tra giấy “thông hành” như bình thường.

Ghi nhận chiều 13/7, tại các chốt kiểm soát, hàng rào chắn ngang đường đã được tháo gỡ, thu dọn, chỉ giữ lại lều và một số dân quân tự vệ trông coi. Các chốt kiểm soát vẫn hoạt động, vị trí các chốt kiểm soát vẫn để như cũ, nhưng lực lượng chức năng có thể ở chốt hoặc đi tuần ở vị trí khác, làm sao vẫn phải đảm bảo người dân thực hiện theo Chỉ thị 16.

Thay vào đó, các chốt kiểm soát chú trọng phương thức tuần tra, xử lý vi phạm. Việc tuần tra chủ yếu là nhắc nhở người dân không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết và xử lý nghiêm đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Các đội tuần tra sẽ kiểm tra tất cả vi phạm gồm: vi phạm giao thông, phòng chống tội phạm, hàng quán, tụ tập đông người, đặc biệt là hành vi người ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

“Với hình thức kiểm tra ngẫu nhiên, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là việc ra đường không có lý do chính đáng, thiếu giấy tờ xe…” – lãnh đạo Cảnh sát giao thông – Trật tự quận 1 nói và cho biết lực lượng chức năng còn trang bị thêm đồ bảo hộ khi ra đường.

Chấn chỉnh việc giao chỉ tiêu xử phạt vi phạm Chỉ thị 16

Trong sáng ngày 13/7, trên mạng xôn xao một phần văn bản của UBND phường 6, quận Gò Vấp về triển khai quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gây xôn xao dư luận.

Phần văn bản này có nội dung đưa ra chỉ tiêu xử phạt cho từng chốt kiểm tra, từng ca tuần tra lưu động. “Hàng ngày tổ chức 1 chốt xử phạt trước cổng cơ quan UBND phường. Mỗi ca phải phạt 20 trường hợp. Thành lập tổ tuần tra, giám sát trên địa bàn, hoạt động 6 ca. Tổ tuần tra, giám sát hoạt động cả tuần, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra trên địa bàn, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không có lý do chính đáng. Mỗi ca phải phạt 5 trường hợp”, văn bản nêu.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp Phan Đình An xác nhận nội dung trên là một phần thông báo phân công nhiệm vụ phòng chống dịch của UBND phường 6, quận Gò Vấp.

Ông An cho biết, UBND phường 6 đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp người dân rời khỏi nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không thuộc các trường hợp quy định và không có lý do chính đáng. Theo đó, văn bản mới, phường thành lập nhiều đơn vị, trong đó có tổ tuần tra, giám sát. Các tổ này hoạt động theo ca, làm việc cả thứ 7, Chủ nhật. Các tổ có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Chỉ thị 16 của người dân, không để xảy ra tụ tập đông người, tăng cường xử phạt vi phạm người ra khỏi nhà không có lý do chính đáng. Và mục tiêu xử lý tất cả các trường hợp vi phạm được phát hiện.

Còn ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết, văn bản trên là thông báo phân công nội bộ công việc trong đơn vị. Ngay khi quận nắm được thông tin, chấn chỉnh và yêu cầu thu hồi văn bản. “Quận yêu cầu phường 6 tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra và xử phạt người vi phạm theo quy định. Không được áp đặt chỉ tiêu”, ông Dũng nói.

Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước tình hình số ca F0 đang tăng nhanh ở TP HCM có thể gây quá tải và áp lực cho ngành y tế, Bộ Y tế dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng hướng dẫn thí điểm cách ly F0 tại nhà cho TP HCM.

Theo hướng dẫn của WHO, trước mắt hai đối tượng F0 được xem xét cho cách ly tại nhà là nhóm F0 đã được cách ly hơn 10 ngày, tải lượng virus lây lan thấp hay khó có khả năng lây nhiễm và nhóm F0 là nhân viên y tế có khả năng tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

F0 được cách ly tại nhà cũng phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở cách ly tại nhà như là đối tượng F1 (phải có phòng riêng, ứng dụng phần mềm theo dõi sức khỏe, hệ thống trực tuyến theo dõi giám sát tại nhà...).

Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ hơn 2 triệu liều vaccine Covid-19 Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna) tới 53 tỉnh, TP, lực lượng công an, quân đội và 20 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó, TP HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất cả nước với 235.200 liều. Ngoài ra, Bộ Y tế vừa quyết định phân bổ đợt 8 số lượng 745.000 liều vaccine Pfizer cho các tỉnh, TP và bệnh viện trên cả nước. Riêng TP.HCM là gần 55.000 liều.

TP HCM sẽ ưu tiên 4 nhóm người: Người mắc bệnh mạn tính. Người già trên 65 tuổi. Nhóm người nghèo, thuộc chính sách xã hội. Những người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiện ích về thực phẩm chăm sóc sức khỏe, dược; công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP.

Đọc thêm