Các Chương trình mục tiêu quốc gia: Đề xuất thí điểm cấp huyện được chuyển nguồn vốn

(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn 1 địa phương cấp huyện để thí điểm “trộn” 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về nguồn vốn, và nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp.

Không ưu tiên giải ngân nguồn vốn bằng mọi giá

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay, 30/10, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đánh giá cao công tác triển khai thực hiện ba CTMTQG, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương.

Nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu cho biết, Ban chỉ đạo của 3 CTMTQG đã được kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng và thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan. Mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất, mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó khối lượng văn bản hướng dẫn quá nhiều, còn tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp bất cập. Tiến độ giải ngân vốn của 3 Chương trình rất chậm, đến nay mới đạt được dưới 50%, đặc biệt là vốn sự nghiệp đạt rất thấp…

Đại biểu cho rằng, với những khó khăn cả về thể chế và về con người, nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021 -2025 rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình, đại biểu đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và có có chế như Chính phủ đề xuất để giải ngân vốn đầu tư nhanh.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, tỷ lệ đối ứng của CTMTQG xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để đảm bảo đối ứng theo quy định.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới cơ chế phân cấp trao quyền cho địa phương cần thực chất hơn, hiệu quả hơn, rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện các CTMTQG.

Song, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc thực hiện các CTMTQG đã chậm nhưng chúng ta cần kiên định với mục tiêu và nguyên tắc trọng tâm với cách làm mới, không đánh đổi, ưu tiên giải ngân nguồn vốn bằng mọi giá để dẫn tới lãng phí, sai sót và kém hiệu quả.

Đề xuất chọn mỗi tỉnh 1 huyện để thí điểm phân cấp

Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ, cơ quan đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu QH nêu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận, sự phối hợp trên - dưới, ngang - dọc trong triển khai các Chương trình còn chưa chặt chẽ. Do đó, còn nhiều việc tháo gỡ.

Theo ông Lê Minh Hoan, đề xuất xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện cho cả 3 Chương trình là một giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu giải ngân, phải đảm bảo được các chỉ tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đến nay, CTMTQG giảm nghèo bền vững không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, chủ động nhường quyền lợi cho người khác. Đây là điều cần được biểu dương

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cả 3 Chương trình đang phải ban hành quá nhiều văn bản, bình quân một Chương trình phải ban hành tới 60, 70 văn bản. “Dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, qua thực tiễn triển khai cho thấy, việc phân cấp, phân quyền thời gian qua chưa rõ, chưa đến nơi đến chốn. “Dưới thì chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ nên có câu chuyện thông tư của Bộ đã hướng dẫn rồi nhưng dưới vẫn đề nghị “hướng dẫn của hướng dẫn””, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải quá nhiều; trung ương giao vốn chi tiết đến từng dự án nên việc triển khai chậm, không tự điều chỉnh được nếu không báo cáo cấp có thẩm quyền khi phát hiện những điều không phù hợp.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Đào Ngọc Dung đề nghị, trước mắt, trong Nghị quyết về giám sát, QH nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các Chương trình và giữa các Chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn 1,2 huyện làm thí điểm.

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh về vấn đề phân cấp được nhiều đại biểu đề cập, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này và đã đem lại kết quả.

“Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn 1 địa phương cấp huyện để thí điểm “trộn” 3 CTMTQG về nguồn vốn, và nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Lý giải, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, việc này xung đột trực diện với Luật Ngân sách và Luật Đầu tư nên phải thí điểm và việc chọn mỗi tỉnh 1 huyện để áp dụng là vừa phải.

Đọc thêm