Các địa phương chủ động ứng phó dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước tình hình số ca COVID-19 mới có xu hướng tăng trở lại, các địa phương trên cả nước đã phát đi những khuyến cáo, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần.
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Cụ thể, TP HCM khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine... Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập… những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho những người thân thuộc nhóm người có nguy cơ. Vì vậy, để bảo vệ người thân của mình - là người thuộc nhóm nguy cơ, ý thức phòng bệnh của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà cũng rất quan trọng. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài cuối tháng 4, sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc sẽ có nguy cơ làm mức độ lây nhiễm COVID-19 tăng cao. Ngành Y tế TP HCM kêu gọi người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19, có ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thông tin từ Sở Y tế TP HCM, hệ thống báo cáo trong tháng 3/2023 cho thấy, mỗi ngày TP HCM ghi nhận từ 1 - 3 ca bệnh mắc mới được xác định. Trong 14 ngày qua (3/4/2023 đến 16/4/2023), toàn TP HCM ghi nhận 39 ca bệnh xác định. Từ ngày 12/4 đến ngày 16/4, trung bình mỗi ngày ghi nhận 7 ca, riêng ngày 15/4 hệ thống ghi nhận 12 ca bệnh xác định. Tổng số ca xác định ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay (1/1/2023 đến 16/4/2023) tại TP HCM là 181 ca.

Tại Hà Nội, chính quyền Thủ đô cũng vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiên quyết, kiên trì, kiên định đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.

TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, nhất quyết không để dịch bùng phát; Đảm bảo nhân lực, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cùng với đó là tổ chức tiêm chủng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng được tiêm vaccine. Đặc biệt là học sinh, phụ huynh học sinh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng, các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Các bệnh viện, trung tâm y tế đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 19/4, UBND TP Hải Phòng đã họp công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Lê Minh Quang cho biết, trong tháng 4/2023, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP có xu hướng tăng, xuất hiện những chùm ca bệnh tại một số trường học. Tuy nhiên, các ca mắc đều có triệu chứng nhẹ, chưa ghi nhận ca chuyển nặng.

Ngành Y tế chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch. Theo đó, các cơ sở y tế sẵn sàng dành tối thiểu 40% số giường bệnh để thu dung điều trị; đồng thời đang tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch điều chỉnh số giường bệnh, bố trí đủ nhân lực để theo dõi, chăm sóc người mắc COVID-19 khi có chỉ định nhập viện.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh, trong những ngày tới, số lượng ca mắc COVID-19 có khả năng tăng nhanh. Để chủ động ứng phó dịch bệnh, các đơn vị, địa phương cần rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, chủ động tuyên truyền người dân và du khách nâng cao ý thức, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ và trong thời điểm tháng 5 TP tổ chức nhiều sự kiện lớn.

Phó Chủ tịch giao ngành Y tế triển khai một số điểm tiêm phòng vaccine COVID-19 cố định, miễn phí cho người dân; tổ chức tập huấn cho các cơ sở thu dung điều trị như Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Trẻ em và các cơ sở y tế tuyến quận, huyện; rà soát trang thiết bị vật tư tiêu hao, chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị số ca mắc lớn; phối hợp với ban, ngành, địa phương tuyên truyền để người dân tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường.

Bộ Y tế khuyến cáo, trước diễn biến gia tăng số ca mắc COVID-19, để dịch bệnh không ảnh hưởng đến cuộc sống, các địa phương cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. Do đó cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, hiện nước ta chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine COVID-19. Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.