Người dân nói lãng phí, Bộ nói cần thiết
Bộ GTVT mới đây đã làm việc với 8 tỉnh để bàn về hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Tuyến đường sắt này dự kiến dài 392 km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án hơn 1.654 ha.
Thời gian gần đây, trong lúc lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với các địa phương để bàn về dự án thì dư luận cả nước đưa ra nhiều ý kiến không đồng thuận, cho rằng dự án không cần thiết, gây lãng phí vì tổng mức đầu tư quá cao. Có ý kiến còn cho rằng nếu thực hiện dự án này thì phía Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn là Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc rất muốn có tuyến đường sắt nối Lào Cai với Hải Phòng để hàng hóa từ khu vực phía Tây của nước này, đặc biệt là Côn Minh dễ dàng tiếp cận cảng Hải Phòng, từ đó dễ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến các khu vực phát triển của phía Đông như Hồng Kông, Đài Loan, Thượng Hải, Bắc Kinh... Cũng từ cảng Hải Phòng, hàng hóa dễ dàng tiếp cận với thị trường Đông Nam Á qua đường biển. Có lẽ vì tuyến đường sắt này quan trọng với Trung Quốc như vậy nên họ đã viện trợ khoảng 10 triệu Nhân Dân Tệ (không hoàn lại) để Bộ GTVT triển khai lập quy hoạch chi tiết dự án.
Trước phản ứng của dư luận cho rằng dự án lãng phí, không cần thiết, Bộ GTVT khẳng định rằng đây là tuyến đường sắt cần thiết. Theo đó, trong thông báo vừa gửi cho báo chí mới đây Bộ GTVT cho biết, Lào Cai – Hải Phòng là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía Bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam. Bộ này cũng cho rằng, chiến lược và quy hoạch phát triển tuyến đường sắt này đã được phê duyệt từ năm 2002. Do đó, căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bộ này cũng cho biết, Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng.
Phản ứng trên của Bộ GTVT cho thấy Bộ này đang quyết tâm thực hiện dự án bất chấp các ý kiến trái chiều từ các nhà nghiên cứu kinh tế và dư luận. Tuy nhiên, rõ ràng Bộ này chỉ căn cứ vào quy hoạch để cương quyết thực hiện là không thuyết phục. Mọi quy hoạch đều phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Quy hoạch nào không phù hợp thì có thể điều chỉnh, thậm chí bỏ quy hoạch.
Địa phương không mặn mà?
Theo khảo sát của PLVN, nhiều địa phương có tuyến đường sắt đi qua không mặn mà với dự án này. Nhiều ý kiến cho rằng hàng hóa, hành khách từ khu vực Lài Cai, Yên Bái, Phú Thọ về Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng đi bằng đường bộ vừa nhanh vừa thuận tiện vì hệ thống đường bộ cao tốc Lào cai – Hà Nội và Hà Nội – Hải Phòng vừa mới được đưa vào sử dụng chưa lâu. Hơn nữa, lưu lượng hàng hóa nội địa từ các tỉnh trên đi Hải Phòng là không lớn, không cần thiết phải đầu tư 100.000 tỷ làm đường sắt.
Trao đổi với PLVN, ông Hoàng Long Biên, Phó giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết, nếu đầu tư mới dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng thì Vĩnh Phúc gần như không được hưởng lợi gì vì hiện nay hàng hóa, hành khách được người dân thực hiện bằng đường bộ. Hơn nữa, hiện nay vẫn có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai đi qua tỉnh nhưng rất ít người sử dụng. “Với Vĩnh Phúc, tuyến đường sắt này chỉ đi qua, không có nhiều ý nghĩa để phát triển kinh tế, xã hội”, ông Biên cho biết. Vị Phó giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc cũng cho rằng, các tỉnh khác như Yên Bái, Phú Thọ, thậm chí cả Lào Cai cũng sẽ không được hưởng lợi nhiều từ dự án vì người dân ít có nhu cầu sử dụng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lưu lượng hàng hóa, hành khách không nhiều nhưng lại đầu tư tuyến đường sắt lên đến 100.000 tỷ sẽ gây lãng phí. Ông cho rằng Bộ GTVT nên nhìn vào bài học nhãn tiền khi dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) – Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) được đầu tư 3.400 tỷ nhưng nay dang dở, vắng cả khách và hàng hóa. Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nên nghiên cứu thật kỹ trước khi đầu tư, nhất là trong bối cảnh nước ta đang cần những công trình giao thông cấp thiết hơn với tổng mức đầu tư rất lớn như sân bay Long Thành, nhà ga T3 mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng sân bay Nội Bài, Cao tốc Bắc – Nam phía Đông…