Các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đều hoạt động hiệu quả

(PLVN) -  Năm 2023, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN) do Bộ Quốc phòng (BQP) trực tiếp quản lý đều có hiệu quả; các chỉ tiêu về tài chính - kinh tế cơ bản đều vượt kế hoạch năm, tăng trưởng hơn năm trước. Tổng doanh thu vượt 6,7% kế hoạch, tăng 6,2% so với năm trước, chiếm 77,26% doanh thu của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do BQP quản lý. Tổng lợi nhuận trước thuế là 48.212 tỷ đồng.
Viettel đã cung cấp sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm. (Ảnh: Viettel)
Viettel đã cung cấp sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm. (Ảnh: Viettel)

Ngày 2/7, BQP đã tổ chức Hội nghị giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các DN trực thuộc Bộ năm 2023. Từ trên 300 DN trước năm 2000, năm 2017, BQP còn 88 DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ và 21 công ty cổ phần có vốn nhà nước do BQP quản lý. Theo Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt, có 17 DN 100% vốn nhà nước được duy trì. Trong đó, giữ nguyên 12 DN đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng trên cơ sở cơ cấu lại các DN công nghiệp quốc phòng.

Hiện nay, BQP đang trực tiếp quản lý 15 DN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều DNQĐ vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng.

Năm 2023, các DN thuộc BQP đã có nhiều nỗ lực, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng hơn so với các năm trước. Vốn và tài sản của Nhà nước tại các DN được bảo toàn và phát triển; cân đối tốt nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư; khả năng thanh toán cơ bản được bảo đảm; một số DN đã tích cực đôn đốc, thu hồi công nợ, giảm hàng hóa tồn kho, cơ cấu lại nguồn vốn, đưa hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu về theo quy định, giảm hơn năm trước.

Trong năm qua, các DN đã có nhiều cố gắng, chủ động khắc phục khó khăn, tìm kiếm việc làm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản trị DN, đề ra nhiều giải pháp tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành; tổ chức triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu DN theo chiến lược sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đã được phê duyệt; tình hình quốc phòng, an ninh tại các địa bàn trọng điểm nơi DN đứng chân được giữ vững.

Hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Hải).

Hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Hải).

Năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt được thành tựu trên tất cả các lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất và logistics. Kết thúc 2023, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 172.500 tỷ đồng (tương đương hơn 7 tỷ USD), tăng trưởng 5,4%. Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng 7,2%; tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%.

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu trong hoạt động khai thác cảng biển tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với 3 trụ cột kinh doanh chính: Khai thác Cảng, dịch vụ logistics, Vận tải và ngành kinh tế biển, TCSG đang khẳng định vai trò của một doanh nghiệp “Sếu đầu đàn”. Hiện Tổng Công ty TCSG đang vận hành hệ thống 28 cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics trải dài khắp cả nước. Mỗi năm hệ thống cảng trực thuộc TCSG đón trên 8.000 chuyến của hơn 60 hãng tàu trên thế giới, với sản lượng hàng hóa xếp dỡ lên đến 9,7 triệu TEU, đóng góp gần 56% thị phần container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển của cả nước.

Các Binh đoàn 15, 16 đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư vùng khó khăn, biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng, an “ninh, là “phên dậu” của Tổ quốc trên các vùng chiến lược.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Vũ Hải Sản biểu dương và đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh và hoạt động tài chính mà các DN đã đạt được trong năm qua. Để việc sử dụng vốn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đạt kết quả tốt trong thời gian tới, Thượng tướng Vũ Hải Sản yêu cầu các đơn vị, DN cần quán triệt nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, BQP trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, chủ trương, chính sách về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong DNQĐ; bảo đảm an toàn về mọi mặt hoạt động của DN...

Thượng tướng Vũ Hải Sản cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của BQP tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời hướng dẫn đối với các DN trực thuộc BQP, nhất là về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cùng với việc tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với giai đoạn hiện nay của Việt Nam và quốc tế.

Đọc thêm