Cũng trong ngày, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu đã dự Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của các đơn vị: Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế và Vụ Pháp luật Quốc tế .
Vụ Kế hoạch – Tài chính cần chủ động, kịp thời hơn trong công tác tham mưu
Báo cáo về kết quả công tác năm 2016, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Nguyễn Huy Hùng nêu rõ, công tác kế hoạch - tài chính của Bộ Tư pháp nói chung và công tác tham mưu, quản lý của Vụ nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Về cơ bản, các công việc đã tuân thủ đúng quy định pháp luật, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành; nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực này đã được xử lý, giải quyết, nhất là trong quản lý ngân sách, tài sản và thống kê.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: triển khai nhiệm vụ mua sắm tập trung còn chậm, tình trạng chậm quyết toán dự án hoàn thành trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng xây dựng các loại kế hoạch ở Bộ còn thấp, tiến độ xây dựng văn bản, đề án còn chậm…
Chia sẻ về tình hình hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trong năm 2016, Giám đốc Nguyễn Tiến Hưng cho biết, Ban đã không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tích cực thi đua vượt qua khó khăn, thách thức trong năm đầu thành lập, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với chi bộ, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, tập trung sức lực, trí tuệ để chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chi bộ và đơn vị luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiện toàn bộ máy, Quy chế dân chủ, công khai, minh bạch mọi hoạt động của đơn vị, đoàn kết nội bộ và chăm lo đời sống của cán bộ, công chức.
Trong năm 2016, Ban đã triển khai 6 dự án do Tổng cục THADS quyết định đầu tư và triển khai một số dự án do Bộ quyết định đầu tư như dự án xây dựng cơ sở 2 – Trường Đại học Luật Hà Nội tại Bắc Ninh; dự án xây dựng trụ sở Cục THADS thành phố Hà Nội và Cụm kho vật chứng Cục THADS thành phố Hà Nội và Chi cục THADS quận Cầu Giấy; dự án xây dựng trụ sở Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp…
Ghi nhận những thành tích mà các đơn vị đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị thời gian tới, Vụ Kế hoạch – Tài chính cần chủ động, kịp thời hơn nữa trong công tác tham mưu cho Bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nâng tầm tham mưu công tác vĩ mô để phù hợp với các quy định mới của pháp luật; gắn kết hơn nữa công tác kế hoạch và công tác tài chính, ngân sách. Vụ cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa các đơn vị; tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị thuộc Bộ có cơ hội thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong điều kiện hạn hẹp về biên chế, Bộ trưởng yêu cầu Ban cần chú trọng tới công tác tổ chức cán bộ, lựa chọn đúng người, đúng việc, đảm bảo triển khai công việc hiệu quả; tăng cường phối hợp với các địa phương của dự án và luôn đặt chất lượng công trình lên hàng đầu.
Dành nguồn lực cho các công việc trọng tâm
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật.
Theo Phó Vụ trưởng Ngô Quỳnh Hoa, năm 2016, trong điều kiện nguồn nhân lực của Vụ rất khó khăn và biến động mạnh, khối lượng công việc rất nhiều nhưng được sự nhất trí, đồng lòng của tập thể Chi ủy, Lãnh đạo và công chức trong đơn vị, công tác của Vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực và thực sự khởi sắc, có nhiều đột phá so với trước đây. Tổ chức bộ máy, cán bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng từng bước nâng lên. Các nhiệm vụ và các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý của Vụ được triển khai đồng bộ, toàn diện, bài bản, mang lại hiệu quả thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống và nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành. Thể chế tiếp tục được hoàn thiện; công tác hướng dẫn nghiệp vụ được chú trọng; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải cơ sở hướng mạnh về cơ sở, bám sát hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc ứng dụng công nghệ được quan tâm chú trọng; đã tổ chức thành công các cuộc thi như thi Hòa giải viên giỏi lần thứ 3, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực công tác nên đến nay hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong kế hoạch công tác năm 2016 của Vụ và các nhiệm vụ đột xuất được Bộ trưởng giao đều đã hoàn thành, cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần tích cực vào sự thành công của công tác tư pháp năm 2016, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, các đơn vị đều đánh giá cao những kết quả mà Vụ PBGDPL đã đạt được trong năm qua, đồng thời đề nghị Vụ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ; đổi mới hình thức PBGDPL; phổ biến pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; đánh giá hiệu quả các hình thức PBGDPL truyền thống để lựa chọn những hình thức ưu điểm triển khai nhân rộng.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả trong công tác của Vụ PBGDPL trong năm 2016, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng lưu ý, trong từng lĩnh vực công tác, Vụ nên xác định các công việc trọng tâm cần ưu tiên để tập trung chỉ đạo quyết liệt, dành nguồn lực để đạt hiệu quả cao, từ đó tác động tích cực đến các lĩnh vực công tác khác. Cụ thể, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ làm tốt công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong phối hợp PBGDPL; nỗ lực hơn trong xây dựng thể chế, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho địa phương...
Thứ trưởng cũng yêu cầu, nội dung PBGDPL phải sát với đối tượng, tập trung một số luật đã hoặc mới ban hành, nhất là các luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng; tập trung PBGDPL cho học sinh, sinh viên. Đồng thời đổi mới hình thức tuyên truyền; chuyển hướng PBGDPL theo diện rộng sang từng nhóm đối tượng cụ thể. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, đổi mới phương thức, tổ chức Ngày Pháp luật theo hướng phong phú, thiết thực. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng xây dựng môi trường làm việc dân chủ, cởi mở trong Vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy…
Nâng cao chất lượng thẩm định và chống “lợi ích nhóm”
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật năm 2017 của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế và Vụ Pháp luật Quốc tế diễn ra chiều qua (17/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, cùng với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật thì các đơn vị cần tập trung vào công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tốt trách nhiệm “người gác cổng” của mình.
Đồng tình với báo cáo tổng kết công tác của cả 4 Vụ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, dù điều kiện để triển khai nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong năm 2016 còn nhiều khó khăn và phải đảm nhiệm nhiều công việc, trong đó có nhiều công việc phát sinh đột xuất, cấp bách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc các bộ, ngành địa phương xin ý kiến nhưng các đơn vị đều đã triển khai thực hiện đồng đều các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành. Tiêu biểu là công tác tham mưu, xây dựng và hoàn thiện thể chế có nhiều khởi sắc.
Trong năm 2016, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy số lượng VBQPLP lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khó và phức tạp nhưng chất lượng thẩm định đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Đơn cử như việc thẩm định 50 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 về điều kiện đầu tư kinh doanh, được Chính phủ đánh giá cao, hay như việc thẩm định 106 Điều ước quốc tế nhằm đánh giá sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, mức độ tương thích với các quy định của pháp luật trong nước…
Cùng với việc tham mưu, giúp Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (bao gồm các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và các nhiệm vụ của Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp thực hiện), các đơn vị đã tích cực triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin…., là những bộ luật, luật có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội.
Năm 2016, các đơn vị đã giúp Chính phủ tiếp tục thắng lợi trong một số vụ tranh chấp quốc tế và phối hợp, hỗ trợ các bộ, các địa phương trong việc giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế tại Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, doanh nghiệp nhà nước cũng đã được quan tâm thích đáng, cả về cơ cấu tổ chức lẫn đội ngũ cán bộ.
Biểu dương và đánh giá cao về những thành tích trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo các Vụ đều đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là sự phối hợp của 4 đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật đã chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Từ những đánh giá trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đơn vị cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ để có kế hoạch triển khai nhiệm vụ của đơn vị mình trong năm 2017. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác thẩm định VBQPPL. Nhấn mạnh trách nhiệm của “người gác cổng”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, công tác thẩm định VBQPPL cần được thực hiện chặt chẽ, với thái độ nghiêm túc và thẳng thắn hơn. Trong công tác xây dựng pháp luật cần đi vào chiều sâu để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống luật pháp.
Đồng chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, dù đất nước đang trong quá trình đổi mới, hội nhập thì trong công tác xây dựng pháp luật vẫn cần quát triệt quan điểm “độc lập, tự chủ, tự quyết” của Nhà nước ta. Ngoài việc chống tư duy “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” trong xây dựng luật pháp thì cũng phải tránh đưa ra những quy định xa rời thực tiễn mà khi nghe thì rất hay nhưng khi áp dụng thì không khả thi…
Cả Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đều yêu cầu 4 đơn vị phải tiếp tục tăng cường gắn kết với nhau cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Trước mắt, 4 đơn vị cần có giao ban định kỳ trong công tác này để kịp thời tháo gỡ vướng mắc và nâng cao hiệu quả phối hợp. Ngoài ra, lãnh đạo các vụ cũng cần phối hợp với các đơn vị trong Bộ, với các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ hoặc đưa cán bộ đi cọ sát thực tế để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.