Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc thực hiện Luật THADS cũng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập cần phải tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đơn giản hóa về trình tự thủ tục THADS
Hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực THADS có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác THADS. Trình tự, thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức thi hành án (THA), chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định, thông báo về THA, trong đó có những trình tự, thủ tục không cần thiết. Những quy định này làm cho các chấp hành viên mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, nhưng không có giá trị thực tế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xác minh tài sản và việc kê biên, xử lý tài sản THA.
Cần có cơ chế, chính sách nhằm minh bạch hóa hơn nữa các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, kết quả xác minh ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết việc THA. Kết quả của việc xác minh là tiền đề, cơ sở cho các hoạt động giải quyết hồ sơ THA. Đặc biệt kết quả xác minh là căn cứ để chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản để đảm bảo việc THA. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong xác minh tài sản đó là tính minh bạch và cơ chế quản lý tài sản của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, Nhà nước cần có thêm các quy định, chính sách nhằm minh bạch hóa hơn nữa các nguồn thu nhập, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp.
Có nhiều bất cập của pháp luật trong việc kê biên xử lý tài sản THA, vì vậy cần nghiên cứu đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thông báo trong THADS, đặc biệt là trong thủ tục xử lý tài sản THA.
Bên cạnh thủ tục thông báo thì việc quy định quyền tự thỏa thuận cho đương sự cũng đang còn bất cập, gây mất rất nhiều thời gian cho việc xử lý tài sản. Vì hầu hết các giai đoạn xử lý tài sản chấp hành viên đều phải thông báo và dành thời gian cho đương sự thỏa thuận, mà thực tế thì điều này không mang đến hiệu quả. Chúng ta đồng ý rằng phải tôn trọng quyền tự thỏa thuận, định đoạt của đương sự trong quá trình THA. Tuy nhiên, việc thể hiện quyền này phải được quy định một cách hợp lý hơn.
Quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung còn khá dài (Điều 75 Luật THADS) không phù hợp với tính chất của công tác THADS. Hiện nay, theo quy định thì chủ sở hữu tài sản chung được ưu tiên mua tài sản chung trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản và 01 tháng đối với động sản và các lần bán tài sản tiếp theo là 15 ngày. Quy định này được áp dụng từ quy định về quyền định đoạt tài sản chung trong Bộ luật Dân sự khi chủ sở hữu chung bán phần tài sản thuộc sở hữu của mình. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng là không sai, tuy nhiên thời hạn quá dài không phù hợp với giai đoạn xử lý tài sản để THA gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được THA.
Tiếp tục kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ chấp hành viên
Chấp hành viên – nhân vật trung tâm của hoạt động THADS, người trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Do vậy, việc chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, khả năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này là việc làm trọng tâm và thường xuyên của công tác tổ chức cán bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm của lực lượng này nhằm làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ công chức làm công tác THADS.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại: hiện nay hoạt động của Thừa phát lại chưa hỗ trợ nhiều cho công tác THA, đặc biệt việc tống đạt của một số Văn phòng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, trình tự thủ tục còn sai sót và thường xuyên chậm về thời hạn. Điều này, vừa ảnh hưởng đến uy tín của Thừa phát lại, đồng thời ảnh hưởng đến cả công tác THA đặc biệt là trong trình tự thủ tục kê biên xử lý tài sản THA cần phải được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật là vấn đề cần được chú trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THADS tạo điều kiện cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và hiểu biết về pháp luật THADS nói riêng.
Như vậy, có thể nói để thực hiện được việc rút ngắn thời gian xác minh, xử lý tài sản THA trước hết chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên. Đặc biệt đối với việc xây dựng thể chế liên quan đến công tác THADS thì vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn THADS.
Pháp luật về THADS cần phải xây dựng các quy định mang tính cưỡng chế tư pháp, mang tính quyền lực bắt buộc với một trình tự, thủ tục thi hành đơn giản, hiệu quả, chứ không phải là các thủ tục hành chính rườm rà và dành quá nhiều quyền không hợp lý cho người phải THA, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA, đồng thời gây khó khăn cho chấp hành viên và cơ quan THA như hiện nay.