Các Hiệp hội Taxi truyền thông cho rằng, sau nhiều năm tranh đấu để đòi sự công bằng, bình đẳng về chính sách của nhà nước đối với 2 loại hình vận tải có cùng bản chất nhưng lại được áp dụng nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách thuế, đó là taxi chính thống và loại hình vận tải thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT mà Grab là đầu mối bao trùm, kết quả là ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Dẫn khoản 2 Điều 3 của Nghị định này, trong đó xác định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”, các Hiệp hội Taxi bày tỏ đồng tình khi hoạt động của Grab được xem là hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.
Tiếp theo, vào ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126 và với Nghị định này, vấn đề thuế VAT được áp dụng bình đẳng cho các loại hình vận tải. “Chúng tôi cho rằng đây là hành lang pháp lý quan trọng để mọi loại hình kinh doanh vận tải phải tôn trọng và thực thi. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ Nghị định này!” - Các Hiệp hội Taxi bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến việc Grab bị đội ngũ lái xe phản ứng quyết liệt, các Hiệp hội Taxi đưa ra nhiều dẫn chứng và chỉ ra rằng “cùng một thời điểm Grab đã tính toán để kéo mọi quyền lợi về cho mình”.
Cụ thể, Grab đã tăng giá cước từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km đối với Grabbike và tăng từ 500 đồng/km lên 1.000 đồng/km tùy theo địa bàn đối với Grabcar.
Grab áp dụng tính cước theo thời gian di chuyển từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Grab đồng thời tăng khấu trừ đối với lái xe (đối tác) đối với Grabbike từ 20% lên 27,273%; Đối với Grabcar, đang áp dụng 20% đối với xe 4 chỗ tăng lên 23,6%, xe 7 chỗ tăng lên 28,364%; Đang áp dụng mức 25% xe 4 chỗ tăng lên 28,375%, xe 7 chỗ tăng lên 32,841%.
Ngoài ra, Grab áp dụng cái gọi là thu phí nền tảng 2.000 đồng/chuyến.
Các Hiệp hội cũng dẫn điểm c, khoản 5 Điều 27 của Nghị định 126 về trách nhiệm kê khai và nộp thuế: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế, tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với toàn bộ doanh thu của hoạt động…”.
“Với quy định này, Grab rõ ràng là tổ chức phải khai thuế và nộp thuế VAT thay người tiêu dùng. Nhưng với cách tính nội bộ của Grab như hiện tại, gánh nặng lại đè lên vai lái xe (đối tác). Vấn đề nữa là khi cơ quan thuế khấu trừ lại VAT thì ai là người thụ hưởng - Grab hay các lái xe (đối tác)?”- các hiệp hội taxi băn khoăn.
Cuối cùng, các hiệp hội khẳng định sự đồng tình đối với các nội dung của Nghị định 126: “Chúng tôi tin rằng "cán cân công lý" này sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn giữa các loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có taxi và loại hình vận tải tương tự”.
Ngày 9/12/2020, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với đại diện Grab về nội dung Nghị định 126 và có sự tham gia của đại diện Bộ GTVT (Vụ Vận tải).
Tại buổi làm việc này, Tổng cục Thuế đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá và tăng chiết khấu đối với khách hàng. Tuy nhiên Grab chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và tăng mức khấu trừ thuế đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Tại buổi họp, Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.
Đại diện Bộ GTVT cũng đã có ý kiến khẳng định: “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải”. Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty TNHH Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết,...), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe,...