Các huyện miền núi Thừa Thiên Huế: Nỗ lực truy quét, ngăn chặn “vàng tặc”

(PLVN) - Cuối tháng 7/2023, lực lượng liên ngành của huyện A Lưới phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) tiến hành kiểm tra, truy quét khu vực đào, đãi vàng sa khoáng trái phép tại địa điểm A Pêy B, xã Hồng Thủy.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, truy quét các đối tượng tổ chức khai thác vàng trái phép ở A Lưới.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, truy quét các đối tượng tổ chức khai thác vàng trái phép ở A Lưới.

Tại hiện trường, ghi nhận nhiều hầm, dụng cụ, lán trại được xây dựng mới và dấu hiệu cải tạo dòng suối. Lực lượng chức năng đã tháo dỡ lán trại dùng để ở và khai thác vàng trái phép; vứt bỏ, tiêu hủy các dụng cụ và khắc phục hiện trạng dòng suối.

Theo Công an xã Hồng Thủy, thực trạng đào, đãi vàng tại A Pêy B thường xuyên tái diễn do một số người dân không có việc làm ổn định. Điểm khai thác cho thấy quy mô nhỏ lẻ, với hình thức thủ công.

Tại các khu vực Tiểu khu 393, 394, 400 thuộc xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, lực lượng chức năng huyện này cũng ngăn chặn thành công các đối tượng thăm dò, lập lán trại khai thác vàng sa khoáng trái phép.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông (chủ rừng), từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này đã tổ chức triển khai 44 đợt truy quét, trong đó có 10 đợt về khai thác khoáng sản trái phép tại các tiểu khu trên. Tại đây, Đoàn phát hiện dấu vết đào đãi dò tìm vàng sa khoáng gồm hầm đất diện tích 1m2 mới đào; hầm chứa đất diện tích 4m2, kèm theo một số dụng cụ như xẻng, cuốc, võng, chăn và 20m2 bạt che. Đặc biệt tại thời điểm đó, lực lượng chức năng phát hiện có 4 đối tượng vẫn còn lén lút thăm dò khai thác vàng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông, qua công tác triển khai theo chỉ đạo của UBND huyện, đơn vị đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch truy quét ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép nhiều đợt, đến nay tình hình đã tạm ổn định.

Đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét tại các Tiểu khu 393, 400. Đồng thời, đề nghị Công an xã Thượng Quảng tiếp tục xử lý các đối tượng cư trú bất hợp pháp trên địa bàn; tuyên truyền người dân không vận chuyển lương thực cho các đối tượng thăm dò khai thác vàng trái phép. Khi có vụ việc xảy ra, đơn vị báo cáo UBND huyện để chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ.

UBND huyện Nam Đông đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông chủ trì, phối hợp Ban CHQS huyện tiến hành khảo sát, xây dựng phương án xử lý lấp các hầm và hủy các vật dụng liên quan đến khai thác vàng. Kiện toàn lại lực lượng chốt chặn và quán triệt nhiệm vụ đối với cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ ở các tiểu khu này. Giao UBND xã Thượng Quảng tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ, không để người dân tham gia khai thác, hỗ trợ khai thác vàng trái phép tại địa bàn xã.

Trước đó, Công an tỉnh phá thành công chuyên án, bắt giữ Hoàng Thái Ninh (SN 1969, quê Thái Nguyên) và Trần Quang Thái (SN 1984, ngụ Thừa Thiên Huế) điều tra hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Theo điều tra, hai đối tượng thỏa thuận, phân công Ninh tuyển người từ Thái Nguyên để đưa vào Nam Đông, bố trí công việc, vận hành máy móc để khai thác vàng. Thái mua lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuê người vận chuyển hàng đưa vào bãi khai thác. Từ cuối 2022 đến tháng 3/2023, Ninh và Thái đã 2 lần bán vàng sa khoáng cho một tiệm vàng tại chợ Đông Ba (TP Huế) với tổng số tiền 116 triệu đồng.

Đọc thêm