Truy quét 'vàng tặc' để thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

(PLVN) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã mở đợt truy quét, đẩy đuổi 20 đối tượng “vàng tặc” ra khỏi mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời tiêu hủy toàn bộ công cụ, máy móc, phương tiện, nhiên liệu, lán trại phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép.
Lán trại được các đối tượng "vàng tặc" dựng lên phục vụ việc khai thác vàng trái phép.
Lán trại được các đối tượng "vàng tặc" dựng lên phục vụ việc khai thác vàng trái phép.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (ĐTTP về TN-KT-BL-MT) Công an tỉnh Quảng Nam, nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự để thực hiện thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Phú Ninh tổ chức đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn.

Lực lượng chức năng tiêu hủy lán trại của "vàng tặc".

Lực lượng chức năng tiêu hủy lán trại của "vàng tặc".

Gần 50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát ĐTTP về TN-KT-BL-MT và các đơn vị nghiệp vụ cùng Công an huyện Phú Ninh đã chia thành 3 tổ công tác để truy quét những điểm khai thác vàng trái phép tại các khu vực gồm: Hố Gần, Núi Kẽm, bãi thải, văn phòng và trạm nghiền.

Lực lượng Công an đã phá hủy 7 máy xay đá, 5 máy nổ, 31 lán trại, 10 hố ngâm ủ quặng, 62 bao vôi, 5 bao than hoạt tính, hơn 1.200 m ống dẫn nước, hơn 1.100 m dây điện cùng nhiều công cụ thô sơ khác. Đồng thời, đẩy đuổi 20 người khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn.

Trước thời điểm truy quét, Công an tỉnh và chính quyền địa phương đã tuyên truyền liên quan đến việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để phục hồi, tái tạo môi trường rừng (bị hủy hoại do khai thác vàng trái phép). Đợt truy quét lần này nhằm đẩy đuổi và xử lý nghiêm những “vàng tặc” vẫn ngoan cố.

Sau đợt truy quét, ổn định địa bàn, Công an tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương đã tiến hành bàn giao địa bàn cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và đơn vị thi công để thực hiện dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến việc xử lý các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện Phú Ninh, Đông Giang chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác khoáng sản vàng trái phép; điều tra, xác minh các nghi phạm đứng đầu tổ chức khai thác vàng trái phép và xử lý nghiêm, kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phá hủy máy phục vụ làm vàng trái phép tại Bồng Miêu.

Phá hủy máy phục vụ làm vàng trái phép tại Bồng Miêu.

Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều tin, bài phản ánh nạn khai thác vàng trái phép tại đây.

Mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác, giấy phép hết hạn năm 2016. Năm 2018, Tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Theo Luật Khoáng sản, mỏ hết thời hạn khai thác phải đóng cửa nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai. Mỏ vàng lại không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Thực trạng này gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, sạt lở núi, mất an ninh trật tự.

Tháng 3/2022, sau khi Quảng Nam nhiều lần kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu trên diện tích 368ha với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện. Kinh phí từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước đó của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách tỉnh.

Ngày 27/7/2023, dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư được triển khai. Nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, nổ mìn đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2024.

Đọc thêm