Các kỳ thi đại học khắc nghiệt tại châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỳ thi đại học tại hai quốc gia tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ được biết tới cực kỳ khắc nghiệt và khó khăn bởi đây là cơ hội “đổi đời” đối với rất nhiều người.
Hàng trăm nghìn học sinh đến Kota, Ấn Độ hàng năm để luyện thi đại học. (Ảnh: AP)
Hàng trăm nghìn học sinh đến Kota, Ấn Độ hàng năm để luyện thi đại học. (Ảnh: AP)

Văn hóa luyện thi khắc nghiệt

Hàng năm, khoảng 300 nghìn học sinh Ấn Độ “đổ xô” đến Kota, bang Rajasthan, nơi được coi là “thủ phủ” luyện thi đại học của đất nước tỷ dân trong những thập kỷ gần đây. Tại thành phố nóng bức, bụi bặm này, 18 giờ học mỗi ngày trở nên phổ biến. Nhiều học viện chuyên môn nổi tiếng cung cấp các khoá học chuyên sâu để chuẩn bị cho học sinh tham gia các kỳ thi có tính cạnh tranh cao ở trường y hoặc trường kỹ thuật, hứa hẹn cho họ những công việc lương cao ngất ngưởng ở những ngành công nghiệp mũi nhọn tại Ấn Độ. Nhiều thế hệ bước ra khỏi các “lò luyện thi” đã thực sự trở thành những thế hệ kỹ sư, bác sĩ tài giỏi trong nước và quốc tế và họ đều phải trải qua những lịch trình giáo dục khắc nghiệt.

Với 65% dân số Ấn Độ có độ tuổi dưới 25 (tương đương khoảng 1,4 tỷ người), ngày càng có nhiều người trẻ theo đuổi giáo dục đại học hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của quốc gia này. Do vậy, môi trường cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn. Ví dụ, năm 2023, có hơn 2 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường y tế tốp đầu, nhưng chỉ 140.000 người được nhận. Trong khi đó, hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi kỹ thuật với hy vọng giành được một trong 10.000 suất đáng mơ ước tại các trường đại học, học viện công nghệ hàng đầu nước này. Ngành công nghiệp luyện thi ở thành phố này ước tính khoảng 120 tỷ rupee (khoảng 37 nghìn tỷ VNĐ). Những người đạt điểm cao nhất trong nước được đối xử như những người nổi tiếng khi ảnh của họ xuất hiện trên các bảng quảng cáo lớn, được các trường đại học nổi tiếng săn đón.

Hàng trăm nghìn học viên theo học tại thành phố Kota mỗi năm, có độ tuổi từ 17 - 20, phải bám theo chương trình học tập dày đặc kéo dài cả tuần. Họ đi học bảy ngày một tuần. Nhiều học sinh cho biết, họ phải bắt đầu học từ lúc 4 giờ sáng trước khi vào lớp lúc 6 giờ, mỗi lớp có tới 300 học viên. Cứ mỗi hai tuần, họ sẽ trải qua một kỳ thi thử đánh giá năng lực và tất cả điểm số đều được công khai và xếp hạng. Rani Kumari, một sinh viên chia sẻ với tờ Guardian (Anh) rằng: “Tôi không có thời gian dành cho bạn bè hay các cuộc giao lưu. Sách của tôi là bạn của tôi”.

Các học sinh, sinh viên đều cho rằng Kota là thành phố “căng thẳng nhất Ấn Độ”. Rất nhiều người đến đây với ước mơ trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư và họ sẵn sàng trải qua khó khăn, gian khổ để đạt được điều đó. Tại ngôi đền Radha Krishna của thành phố, hàng nghìn lời cầu nguyện được viết nguệch ngoạc trên tường mỗi tuần, cho thấy khát vọng thành công của những người đến đây rất mãnh liệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công. “Ở Kota sẽ mang lại cho bạn thành công hoặc khiến bạn tuyệt vọng hoàn toàn”, “Có tất cả hoặc không có gì”, “Đâu đâu ở đây cũng thể thấy được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở đất nước này”,… là những bình luận của các học sinh về môi trường giáo dục cực kỳ khắc nghiệt ở đây.

Tuy nhiên, mặt tối của nền văn hoá luyện thi khắc nghiệt này là những gánh nặng, bao gồm cả gánh nặng học tập, gia đình và xã hội, đều đặt lên vai học sinh. Những năm qua, đất nước này ghi nhận một số học sinh đã tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành tại các trường luyện thi. Con số này ngày càng tăng và trở nên nhức nhối đến mức một số bộ trưởng trong chính phủ đã kêu gọi việc cấm các trường luyện thi theo các chương trình khắc nghiệt như vậy. Vấn đề này cũng đã được nêu ra tại Quốc hội và chính quyền bang Rajasthan đã đưa ra một bộ hướng dẫn mới nhằm nỗ lực hạn chế tỷ lệ tự tử cao. Một trong các biện pháp là dỡ bỏ những chiếc quạt trần khỏi các phòng học khi nhiều trường hợp học sinh đã sử dụng để treo cổ.

Ngoài những lời chỉ trích nhắm vào các trường đào tạo, các chuyên gia tâm lý và sinh viên cho rằng, áp lực lớn nhất đến từ kỳ vọng gia đình. Việc có một bác sĩ hoặc kỹ sư trong gia đình từ lâu đã được coi trọng ở Ấn Độ và nhiều bậc cha mẹ coi Kota là con đường để biến điều này thành hiện thực.

Kỳ thi quốc gia áp lực nhất thế giới

Cũng như Ấn Độ, học sinh Trung Quốc phải chịu đựng nhiều năm căng thẳng và những kỳ vọng không tưởng để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp 3. Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc được xem là một trong những kỳ thi khó khăn và khắc nghiệt nhất thế giới. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho con học hành vất vả từ cấp tiểu học. So với tỷ lệ chọi ở các quốc gia khác, các trường đại học hàng đầu ở đất nước tỷ dân này chỉ chọn 1 trong 50.000 sinh viên thi tuyển. Việc theo học trường đại học nào tác động sâu đến sự nghiệp và thậm chí cả triển vọng hôn nhân của nhiều người trẻ Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp sau đại học ở nước này là khoảng 16%, cho thấy cuộc cạnh tranh để tìm được những công việc văn phòng có mức lương tốt ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Hệ thống CCTV theo dõi gian lận tại kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Hệ thống CCTV theo dõi gian lận tại kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Kỳ thi tuyển sinh đại học là một sự kiện quốc gia quan trọng ngang với những ngày nghỉ lễ lớn nhưng mức độ căng thẳng cao hơn rất nhiều. Ước tính, khoảng 9 triệu học sinh tham gia kỳ thi này mỗi năm. Kỳ thi bao gồm các bài thi kéo dài ba giờ đồng hồ: tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và lựa chọn các môn khoa học (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc nhân văn (Địa lý, Lịch sử, Chính trị). Các câu hỏi chủ yếu là trắc nghiệm hoặc điền vào chỗ trống và cực kỳ khó. Đề thi Toán ở Trung Quốc khó ngang với Toán cấp đại học ở Vương quốc Anh. Nhưng đối với nhiều học sinh, yếu tố đáng sợ nhất chính là bài luận trong kỳ thi tiếng Trung.

Trong thời gian thi cử, các công trình xây dựng gần địa điểm thi tuyển đều phải tạm dừng để không làm phiền học sinh hay cản trở giao thông. Xe cứu thương túc trực bên ngoài trong trường hợp có người bị suy sụp thần kinh. Xe cảnh sát tuần tra liên tục để giữ cho đường phố yên tĩnh. Các chương trình truyền hình, báo đài sẽ đưa tin trực tiếp thảo luận về cuộc thi, đề thi một cách chi tiết. Khi có kết quả, các thủ khoa được vinh danh trên toàn quốc. Điểm số cao hay thấp quyết định cơ hội kiếm tiền và sống thoải mái. Nhiều quan điểm còn cho rằng, điểm số kỳ thi này là con số quan trọng nhất trong cuộc đời của bất kỳ đứa trẻ Trung Quốc nào, là đỉnh cao của những năm đi học của họ.

Chính bởi áp lực và tầm quan trọng của kỳ thi, nhiều “dịch vụ” gian lận đã “mọc lên” và trở thành một vấn nạn nhức nhối ở nước này. Nhiều học sinh sử dụng những thiết bị tinh vi nhưng máy quay mini, thiết bị vô tuyến, tai nghe để truyền câu hỏi và nhận câu trả lời từ bên ngoài. Họ giấu những thiết bị này trong đồ trang sức, kính đeo mắt, ví, bút, thước kẻ, thậm chí cả đồ lót. Vài năm trước, cảnh sát tỉnh Giang Tây đã từng triệt phá một tổ chức “thi hộ” cho các thí sinh. Những đối tượng chuyên nghiệp này đòi phụ huynh phải trả tới một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ VNĐ) để đóng giả học sinh để thi hộ. Để ngăn chặn vấn nạn này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định mới để kết án những kẻ gian lận với hình phạt lên tới 7 năm tù.

Hầu hết các phòng thi đều lắp đặt camera quan sát. Một số nơi sử dụng cả máy dò kim loại. Tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, các điểm thi thậm chí đã sử dụng máy bay không người lái phía trên các tòa nhà của trường học và quét các tín hiệu vô tuyến gửi vào hoặc ra. Dấu vân tay và mống mắt cũng được sử dụng để xác minh danh tính của học sinh. Đề thi được nhân viên bảo vệ hộ tống đến các trường và được theo dõi bằng thiết bị GPS. Các giám khảo soạn thảo bài thi cũng được giám sát chặt chẽ để tránh rò rỉ đề thi.

Đối với nhiều học sinh, áp lực từ phụ huynh, giáo viên và chính bản thân họ là quá lớn. Dù có thể thi lại một năm sau đó nhưng nếu học sinh tiếp tục trượt thì sẽ không có giải pháp nào an toàn hoặc con đường thay thế nào để vào đại học. Áp lực to lớn ấy cũng dẫn đến tình trạng tự tử. Một nghiên cứu năm 2014 cho rằng căng thẳng trong kỳ thi là yếu tố góp phần gây ra 93% trường hợp học sinh tự tử.

Mặc dù nhiều trường đại học ở nước ngoài công nhận kỳ thi đại học ở Trung Quốc rất khó và có tính phân loại cao, nhưng cũng chính áp lực thi cử quá lớn khiến nhiều học sinh tìm cách chuyển sang học nghề hoặc xác định đi du học từ sớm.

Đọc thêm