Các ngân hàng “gồng mình” hạ lãi suất

(PLO) - Một loạt ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay ngay trong ngày Thủ tướng đối thoại với cộng đồng DN hôm 29/4. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV), hiện lãi suất cho vay đã rất sát giá vốn…
Các ngân hàng “gồng mình” hạ lãi suất

Đồng loạt hạ lãi suất

Như có sự chuẩn bị trước, ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị Thủ tướng với DN hôm 29/4, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay có hiệu lực ngay trong ngày.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cam kết sẽ thực hiện giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, và mức cho vay trung và dài hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tối đa không quá 10%.

Ông Hà cho biết, với việc hạ lãi suất cho vay để chia sẻ, hỗ trợ DN, doanh thu của ngân hàng sẽ giảm khoảng 400 – 450 tỷ đồng.

Không chỉ hạ lãi suất, BIDV đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính... Đặc biệt, từ nay đến cuối 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500- 600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến qui trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính...

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) trong thông điệp phát đi cũng cho biết, mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND sẽ về tối đa 10% trong thời gian 1 năm. Ngoài ra, ngân hàng sẽ dành gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ DN trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Hòa trong xu hướng hạ lãi suất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn từ về tối đa 10% một năm.

Không chỉ các “ông lớn” ngân hàng công bố điềm chính giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng nhỏ cũng không muốn nằm ngoài trào lưu chung.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các DN với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các DN xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các DN công nghiệp phụ trợ.

Không chỉ áp dụng mức lãi suất ưu đãi khá hấp dẫn, ngân hàng này còn tư vấn, linh động thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ nhằm tạo điều kiện để gói ưu đãi này sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh các DN xuất nhập khẩu, gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng cũng ưu tiên cho các DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cũng cho biết sẽ áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các DN hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao. Đối với các khoản vay trung dài hạn, SHB áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm; đối với các khoản cho vay ngắn hạn, SHB xem xét giảm lãi suất 0,5% so với mức lãi suất hiện hành.

Lãi suất cho vay sát giá vốn

Việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động gần đây đang có xu hướng tăng, nhất là đối với các kỳ hạn dài cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc chia sẻ, đồng hành với DN.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà, hiện lãi suất cho vay đang rất gần giá vốn. Theo ông Hà, hiện lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) (thời điểm trước 29/4- PV) là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả mức 2006-2007, khi đó lãi suất là 8-12%/năm)); trong khi đó giá vốn đang ở mức khoảng 7,8% (gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%).

Theo đó mức chênh lệch ròng của các NHTM hiện rất thấp chỉ khoảng 0,7%, so với các nước trong khu vực chênh lệch ròng ở mức 2,2% - 2,5%.

Với việc các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay thêm 0,5- 1%, khoảng chênh lệch ròng của các NHTM còn thấp hơn mức 0,7% và điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải “thắt lương buộc bụng” để chia sẻ với DN.

Theo đề xuất của Chủ tịch BIDV, để các ngân hàng có thể giảm 0,5-1% lãi suất cho vay, cần phải thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp.

Trước hết, Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện nay là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%, riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%. Đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%. Khi đó so với hiện tại, ước tính có thể giải phóng thêm ngồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng.

Thứ hai là giảm lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Ông Hà phân tích: Các tổ chức tín dụng (TCTD) nắm giữ tới 85% TPCP, riêng 4 tháng đầu năm 2016 CP đã phát hành thành công  102 nghìn tỷ, trong đó các TCTD nắm giữ đến 97 nghìn tỷ, theo kế hoạch năm 2016, KBNN có kế hoạch phát hành tổng cộng 220 nghìn tỷ đồng, như vậy với tỷ lệ tham gia 85% như trên, vốn các TCTD đầu tư TPCP khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

“Đây là vốn trung dài hạn cần thiết để phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế. Vì vậy, để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung-dài hạn, Chính phủ xem xét giảm kế hoạch phát hành TPCP ở mức khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách yêu cầu của TTCP. Đồng thời, tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ…”- Chủ tịch BIDV đề nghị.

Chính phủ và NHNN cần đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn, đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ doanh nghiệp. Ông Hà cho biết, theo Thông tư 18 của NHNN, các NHTM được tái cấp vốn tối đa 70% cho trái phiếu đặc biệt mua nợ của VAMC, tuy nhiên thực tế các NHTM được tái cấp vốn rất ít và hạn chế.

Về phía các TCTD Chủ tịch BIDV cho rằng các TCTD cũng cần thực hiện tiết giảm chi phí quản lý hoạt động. Theo đó, đề xuất các NHTM mà đi đầu là các NHTM nhà nước cần có hành động cụ thể để tiết giảm khoảng 10% chi phí quản lý hoạt động trong năm 2016. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tái cơ cấu các TCTD yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh (khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng).

Về phía các DN, ông Hà cũng lưu ý các DN cần đảm bảo các điều kiện theo quy định về cho vay như Tài sản đảm bảo, Kế hoạch, phương án kinh doanh; Báo cáo tài chính kiểm toán…

Đọc thêm