Các nước đẩy mạnh tiêm chủng, nới lỏng hạn chế với người đã tiêm phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân, giới chức nhiều nước trên thế giới cũng đã công bố việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 với những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tiêm phòng vaccine COVID-19.
Tiêm phòng vaccine COVID-19.

Reuters đưa tin, kể từ ngày 9/8, Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên mở đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Quyết định này được giới chức Hàn Quốc đưa ra trong lúc họ đang phải đối phó với sự gia tăng các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ, trong đó có nhiều trường hợp là những người trẻ, chưa được tiêm phòng.

Con số được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đưa ra ngày 9/8 cho thấy, trong vòng 24 giờ, nước này có thêm 1.492 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên thành 212.448 ca.

Trong khi đó, đến ngày 9/8, khoảng 45% trong tổng số 52 triệu dân Hàn Quốc đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, còn số người đã được tiêm đủ 2 liều chiếm 15% tổng số dân ở đây.

Hàn Quốc đặt mục tiêu đến tháng 9 tới sẽ tiêm chủng được cho 70% người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi. Việc tiêm chủng theo đăng ký cho nhóm người thuộc độ tuổi này sẽ bắt đầu từ ngày 26/8 tới và kéo dài đến ngày 30/9.

Tại Mỹ, con số do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 8/8 cho thấy, Mỹ đã tiêm được 351.400.930 liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, tăng nhanh so với con số 350.627.188 liều vaccine mà CDC đưa ra chỉ 1 ngày trước đó.

Theo CDC, tính đến ngày 8/8, 194.866.738 người tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 166.477.481 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Còn theo tuyên bố của Nhà Trắng ngày 6/8, một nửa dân số Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ. Các tuyên bố trên được đưa ra trong lúc việc tiêm chủng tại Mỹ đang tăng nhanh để đối phó với biến thể Delta lây lan mạnh.

Tại Tunisia, sau khi nhận được hơn 6 triệu liều vaccine từ các nước, ngày 8/8, nước này đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho những người từ 40 tuổi trở lên. Trong bối cảnh dịch bệnh do biến thể Delta gây ra đang gia tăng nhanh chóng, Tunisia đặt mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 6 triệu người trong tổng số 12 triệu dân của nước này vào giữa tháng 10 tới.

Trong khi đó, tại Pháp, kể từ ngày 9/8, người dân khi xuất trình thẻ thông hành y tế sẽ có thể tham gia các hoạt động như uống café tại cửa hàng hay đi tàu giữa thành phố. Những người được cấp thẻ thông hành y tế là những người đã được tiêm chủng đầy đủ, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian gần hoặc đã khỏi bệnh. Kế hoạch trên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, đồng thời khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Tại Malaysia, AFP đưa tin, kể từ hôm nay, 10/8, Malaysia sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đối với những người đã được tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh ở 8 bang, chiếm khoảng một nửa dân số ở nước này.

Động thái trên sẽ cho phép hàng triệu người có thể di chuyển giữa các địa phương, chơi các môn thể thao ngoài trời và ăn uống tại các nhà hàng ở 8 bang có số ca lây nhiễm COVID-19 giảm trong khi có nhiều người đã được tiêm vaccine.

“Càng có thêm nhiều người được tiêm chủng đầy đủ... gánh nặng cho hệ thống y tế công cộng sẽ giảm. Nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội hơn có thể được mở ra theo từng giai đoạn và chúng ta có thể thoát khỏi đại dịch này một cách trật tự và an toàn hơn”, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Cùng với đó, theo chính sách mới của Malaysia đã được Thủ tướng nước này công bố, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 khi ở nước ngoài về nước có thể cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày trong khi những cặp vợ chồng có thể đi giữa các bang để thăm nhau.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Malaysia sẽ không được dỡ bỏ ở các bang như thủ đô Kuala Lumpur - nơi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, và trung tâm thương mại Selangor.

Malaysia hiện đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất từ ​​trước đến nay, với trung bình gần 20.000 ca nhiễm mới và hàng trăm ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày. Trong ngày 8/8, nước này đã ghi nhận kỷ lục số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày, với 360 người tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh tại nước này lên thành 10.749 người.

Malaysia hiện là một trong những nước đang triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 nhanh nhất trong khu vực. Mỗi ngày, nước này tiêm được khoảng 400.000 liều vaccine. Tính tổng cộng, đến nay, khoảng 8,25 triệu người – tức khoảng 1/4 trong số 33 triệu dân của Malaysia - đã được tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Tổng số liều vaccine mà nước này đã tiêm được cho người dân là 23,6 triệu liều.

Tại Ấn Độ, ông Uddhav Thackeray - Thủ hiến bang Maharashtra ở miền Tây nước này – vừa thông báo, kể từ ngày 15/8 tới, thành phố Mumbai sẽ cho phép những người dân đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 đi lại bằng tàu hỏa. Chính quyền bang Maharashtra cũng đã kêu gọi các công ty tại Mumbai giảm bớt giờ làm việc đồng thời tiếp tục cho phép nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà.