Các nước đẩy mạnh tiêm vaccine tăng cường đối phó với Omicron

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi các nước vẫn đang vật lộn với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do Delta gây ra thì Omicron cũng âm thầm lây nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, Omicron gây nguy cơ “rất cao” trên toàn cầu khi biến chủng này sở hữu khả năng lẩn tránh “lá chắn” miễn dịch của vaccine và có tốc độ lây lan nhanh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Omicron đang lây lan với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ biến chủng nào trước đó. Ngay cả khi Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca nhiễm tăng thẳng đứng có thể một lần nữa gây quá tải các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Tổng Giám đốc WHO cho biết, biến thể mới đã được báo cáo ở 77 quốc gia và có thể đã tấn công sang hầu hết các nước mà không bị phát hiện. Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19, chiếm 62% tổng số ca nhiễm bệnh trên thế giới trong 7 ngày qua, trong khi 5 quốc gia có tỷ lệ nhiễm cao nhất toàn cầu cũng thuộc khu vực này.

“Các rủi ro liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao do một số nguyên nhân. Các bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể thoát khỏi sự miễn dịch của cơ thể và có tốc độ lây lan cao, sẽ có thể dẫn đến sự bùng phát với những hậu quả nghiêm trọng”, WHO cho biết.

Trong khi đó, Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO cho biết, các vaccine COVID-19 hiện nay vẫn hiệu quả, giúp cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể trước nguy cơ trở nặng và tử vong. “Câu hỏi được đặt ra là những vaccine chúng ta đang dùng, hiện giúp cứu mạng trước tất cả biến chủng, cung cấp khả năng bảo vệ đến mức nào và khả năng hạn chế nguy cơ trở nặng, tử vong trước Omicron có suy giảm chút nào hay không. Dữ liệu đang cho thấy sự bảo vệ đáng kể”, ông Ryan cho hay.

Với tình hình dịch bệnh nguy cấp, nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng hạn chế. Theo đó, Hà Lan đã áp dụng lại các hạn chế trong ngày 14/12, khi Thủ tướng Mark Rutte thông báo trường tiểu học sẽ bắt đầu đóng cửa vào tuần tới và lệnh hạn chế di chuyển vào ban đêm sẽ được gia hạn trong bối cảnh lo ngại Omicron. Cụ thể, các trường học sẽ đóng cửa từ ngày 20/12 thay vì ngày 25/12 khi các ca bệnh vẫn ở mức cao, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi tiểu học.

Đan Mạch và Na Uy cũng lần lượt công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống lại số lượng lây nhiễm tăng vọt, bao gồm đóng cửa trường học, lệnh giới nghiêm về đêm, kêu gọi người dân tăng cường đeo khẩu trang và làm việc tại nhà, yêu cầu các quán bar và nhà hàng không phục vụ rượu…

Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng đang trong cuộc chạy đua để ngăn chặn biến thể Omicron vượt khỏi tầm kiểm soát. Thủ tướng Boris Johnson có kế hoạch ban hành các quy định mới về việc đeo khẩu trang, xét nghiệm hàng ngày và cấp vaccine cho một số cơ sở ở Anh…

Cho đến nay, các nước có biến thể Omicron cho biết các ca nhiễm hầu hết là nhẹ hoặc các trường hợp không có triệu chứng, nhưng WHO cho biết dữ liệu không đủ để xác định mức độ nghiêm trọng lâm sàng của biến thể. Các nhà khoa học hiện vẫn đang ngày đêm theo dõi và nghiên cứu. Còn các quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng liều tăng cường, nhằm làm chậm quá trình suy giảm miễn dịch và đối phó với tốt hơn biến chủng mới.

Tại Anh, biến chủng Omicron nhiều khả năng sẽ trở thành chủng virus phát triển mạnh mẽ nhất. Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo hệ thống y tế đất nước có thể quá tải trong thời gian tới. Lo ngại hai liều vaccine là chưa đủ, Thủ tướng Johnson dường như đang “đánh cược” với nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng liều tăng cường ở quy mô một triệu liều/ngày để ngăn chặn “làn sóng Omicron” tràn đến.

Trên khắp nước Anh, quân đội sẽ được triển khai để hỗ trợ chương trình vaccine, trong khi nguồn lực y tế cũng được huy động trong chiến dịch tiêm chủng cho mọi người trưởng thành vào cuối tháng 12. “Chúng ta phải lập tức củng cố bức tường bảo vệ bằng vaccine để giữ an toàn cho người thân và bạn bè”, ông Johnson nói.

Tại các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ và Croatia đã quy định thời hạn đối với hai liều vaccine COVID-19. Theo đó, người dân tại đây buộc phải tiêm các liều nhắc lại sau một khoảng thời gian nhất định. Riêng tại Pháp, từ giữa tháng 12, Chính phủ quy định người trên 65 tuổi cần tiêm liều vaccine tăng cường để tham gia các triển lãm, vào nhà hàng hay di chuyển đường dài.

Tại Mỹ, ông Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường, trong thời điểm nước này chạm mốc 800.000 người tử vong vì COVID-19. Theo ông Fauci, biến chủng Omicron có thể “né tránh” khả năng bảo vệ của hai liều vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna cùng một số phương pháp điều trị khác.

Hiện tại, Mỹ vẫn áp dụng “tiêm chủng đầy đủ” với hai liều Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc một liều Johnson & Johnson. Tuy nhiên, ông Fauci nhấn mạnh một liều vaccine tăng cường cung cấp sự bảo vệ “tối ưu” trước chủng Omicron.

Theo các nhà khoa học, dù liều tăng cường có vai trò quan trọng trong đối phó với biến chủng Omicron, việc tiến hành kết hợp với các biện pháp hạn chế tập trung đông người vẫn rất cần thiết.

Khi các hãng dược phẩm đang nghiên cứu thế hệ vaccine tiếp theo, đảm bảo sẵn sàng cung cấp từ sau tháng 3/2022, giới khoa học lo ngại việc điều chỉnh vaccine có thể vẫn để lại những lỗ hổng nếu Omicron tiếp tục bị một biến chủng khác, nguy hiểm hơn thay thế.

Các nhà khoa học mong đợi những liều vaccine mới không chỉ phù hợp với các chủng virus hiện có, mà còn cung cấp khả năng miễn dịch toàn diện hơn để chống lại các đột biến có thể xuất hiện trong thời gian tới.