Ngày 20/10, giới chức Thụy Điển đã quyết định cấm sử dụng thiết bị viễn thông của hai tập đoàn Trung Quốc là Huawei và ZTE trong xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G của nước này. Động thái trên được đưa ra trước thềm sự kiện đấu giá phổ tần cho mạng 5G tại Thụy Điển dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) cho biết các công ty tham gia cuộc đấu giá sắp tới phải loại bỏ các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi bộ tính năng trung tâm hiện tại trước ngày 1/1/2025. PTS định nghĩa bộ tính năng trung tâm là các thiết bị sử dụng trong xây dựng mạng lưới truy cập sóng vô tuyến, mạng lưới truyền phát, mạng lõi, cũng như dịch vụ và khả năng bảo trì của mạng.
Cơ quan này khẳng định việc xây dựng các điều kiện cấp phép đều dựa trên các đánh giá của Lực lượng vũ trang và Cơ quan An ninh Thụy Điển.
Phía Huawei và ZTE hiện chưa đưa ra bình luận về quyết định trên của Thụy Điển.
Không chỉ Thụy Điển, mà chính phủ các nước châu Âu đang xem xét vai trò của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng không gian mạng, trong bối cảnh Mỹ lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa an ninh. Đầu tháng 7 vừa qua, Vương quốc Anh đã cấm Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của nước này, theo đó yêu cầu các công ty trong nước ngừng mua thiết bị 5G mới từ Huawei từ năm 2021 và loại bỏ các thiết bị Huawei hiện đang được sử dụng vào cuối năm 2027.
Các quốc gia khác bao gồm Australia, New Zealand và Ấn Độ cũng đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn đối với Huawei.
Pháp và Italy đã tuyên bố giới hạn sử dụng đối với thiết bị mạng 5G của tập đoàn Huawei.
Trong khi đó, Nhật Bản đã thông báo với Mỹ rằng Tokyo không thể tham gia một kế hoạch khung, với nội dung loại trừ một quốc gia cụ thể, tuy nhiên sẽ cân nhắc việc tham gia nếu có những thay đổi trong kế hoạch.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, Nhật Bản đã thông báo với Mỹ quyết định chưa gia nhập kế hoạch loại trừ các công ty Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ Huawei, ra khỏi hệ thống mạng viễn thông của nước này. Yomiuri dẫn một số nguồn tin cho biết Nhật Bản sẽ tự triển khai các biện pháp ứng phó, nếu phát sinh những lo ngại liên quan tới vấn đề an ninh.
Trong diễn biến liên quan, truyền thông Hàn Quốc dẫn nguồn một nhà ngoại giao nước này cho biết tại cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ Hàn lần thứ 5 diễn ra hôm 14/10, Washington đã nhắc lại đề xuất gia nhập kế hoạch "Clean Network" với Seoul. Tuy nhiên vị quan chức trên trả lời rằng lựa chọn thiết bị và công nghệ là quyết định của các công ty Hàn Quốc. Chính quyền sẽ không can thiệp vào quyết định của các công ty tư nhân.
Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản cập nhật của một kế hoạch có tên "Clean Network" (Mạng sạch), kêu gọi việc loại bỏ các công ty viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc ra khỏi đất Mỹ.
Washington cũng gây sức ép lên các đồng minh để cấm Huawei tham gia phát triển mạng di động 5G, viện dẫn lý do lo ngại về an ninh.