Một loạt quyết định mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng vừa được công bố đã báo hiệu về một mùa M&A sôi động trong lĩnh vực này.
HDBank từng công bố chương trình ưu đãi vốn cho các đại lý có liên kết với Cty SGVF |
Manh nha tập đoàn Tài chính – Ngân hàng
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) vừa công bố đã mua đứt 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF). SGVF là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài lớn nhất Việt Nam hiện nay, được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động từ năm 2007, hiện có khoảng 1.100 nhân viên, hoạt động trên 42 tỉnh thành trên toàn quốc, có 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy trên cả nước.
Dự kiến, SGVF sẽ chuyển thành công ty con thuộc HDBank. Có nhiều đồn thổi rằng, HDBank phải chi ra khoản tiền không ít hơn vốn điều lệ của SGVF, tức là khoảng 550 tỷ đồng, cho thương vụ này. Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên một nhà băng mua lại công ty tài chính, có thể sẽ là sự kiện mở đầu cho một xu hướng mới, hình thành nên những tập đoàn tài chính – ngân hàng.
HDBank còn là cái tên liên quan tới thông báo đại hội cổ đông bất thường vào cuối tháng 9 của Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank), nhằm thông qua việc sáp nhập với HDBank. Đây là nỗ lực của DaiABank khi cách đây 2 tháng hai bên đã công bố biên bản ghi nhớ về việc sáp nhập/hợp nhất. Được biết, đến thời điểm này, tất cả các vấn đề liên quan đến việc M&A giữa HDBank và DaiABank đã hoàn tất, chỉ chờ đại hội thông qua.
“Mối duyên” Ngân hàng Phương Tây – Tài chính Dầu khí
Lúc này, thị trường cũng đang chờ đợi quá trình hợp nhất đi đến giai đoạn cuối giữa Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC). Theo đề án, ngân hàng hợp nhất sẽ mang tên Ngân hàng TMCP Đại Chúng (Pvcombank) và sẽ đi vào hoạt động với vị thế không hề nhỏ trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, khi đứng thứ 9 về vốn điều lệ, thứ 11 về tổng tài sản, với hơn 30 chi nhánh.
Một lễ công bố rình rang dự kiến sẽ được thực hiện ngày 8/9 tới, nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều quan ngại cho tương lai của “mối lương duyên” này. Bởi, cả hai bên trong năm 2012 đều có lợi nhuận giảm sút, khi lợi nhuận sau thuế của WesternBank hơn 36,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 120,7 tỷ đồng cùng kỳ 2011.
Còn tại PVFC, lợi nhuận cũng sụt giảm hơn 5 lần, từ trên 347,5 tỷ đồng xuống còn hơn 61,3 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu - chỉ số để đo lường tình hình tài chính doanh nghiệp của cả 2 đơn vị này trong năm 2012 cũng tụt giảm so với các năm trước. Tại WesternBank, một cổ phiếu nhận lãi 122 đồng, giảm so với mức 424 đồng của năm 2011. Còn ở PVFC, chỉ số này là 76 đồng, giảm so với mức 787 đồng năm 2011.
Đặc biệt, nợ xấu của WesternBank và cả PVFC trong năm 2012 đều tăng mạnh. Ở WesternBank, nợ nhóm 5 - có khả năng mất vốn - tăng từ hơn 33,2 tỷ đồng cuối năm 2011 lên hơn 231 tỷ vào cuối năm 2012, trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng thêm gần 3 lần, từ hơn 41,5 tỷ lên hơn 113 tỷ.
Còn tại PVFC, tính đến cuối năm 2012, khi đơn vị này đã quyết định hợp nhất với WesternBank, nợ có khả năng mất vốn tăng từ hơn 616 tỷ lên hơn 1.003 tỷ, nợ nghi ngờ từ hơn 171 tỷ lên gần 400 tỷ đồng. Các chuyên gia quan ngại rằng, điều kiện lợi nhuận và nợ xấu như thế khiến cho ngân hàng mới lâm vào tình trạng khó khăn gộp lại sẽ càng khó hơn. Có lý do về quan ngại đó, khi “cuộc hôn nhân” trước đó giữa SHB-HBB bước đầu cứu được HBB, nhưng sau đó khiến SHB phải đối mặt với không ít vấn đề về nợ xấu, nhân sự, thu nhập…
M&A ngân hàng chắc chắn sẽ còn hứa hẹn nhiều thương vụ hấp dẫn, bởi theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước thì số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm từ con số 37 trong hiện tại còn 13-15 ngân hàng vào năm 2017.
Bách Nguyễn