Những bông hoa nở chóng tàn
Chưa bao giờ, công chúng thấy mật độ dày đặc của các quán quân như thể “ra ngõ gặp quán quân”. Hàng loạt gameshows: “Thần tượng âm nhạc”, “Giọng hát Việt”, “Tìm kiếm tài năng”, “Ngôi sao Việt”, “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “Nhân tố bí ẩn”, “Tôi là người chiến thắng”, “Ngôi nhà âm nhạc” với vài mùa “chinh chiến” đã “đẻ” ra hàng loạt quán quân, thần tượng.
Ngỡ tưởng các quán quân, thần tượng sẽ là những tài năng tỏa sáng góp phần tăng chất lượng nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nhưng đáng buồn thay, những quán quân ấy, sau một đêm đăng quang, cátsê tăng vọt, chạy sô hết công suất, bỏ quên nghệ thuật. Nhưng cuộc chơi nào cũng chóng tàn, chỉ thời gian ngắn, các quán quân bị hụt hơi trong sự nổi tiếng ảo và cuối cùng “chìm nghỉm” trong sự nổi tiếng ảo của mình.
Ya Suy trở thành quán quân “Thần tượng âm nhạc” 2012 là một ví dụ điển hình. Người ta bình chọn cho Ya Suy theo thị hiếu đám đông chứ không phải bởi giọng hát của anh có giá trị. Và khi cuộc thi kết thúc, người ta cũng quên luôn quán quân mà họ đã bình chọn phải xoay sở ra sao với bước đường sau này. Việc thiếu một nền tảng cơ bản về thanh nhạc khiến Yasuy có phong độ thất thường và không tự tin làm chủ sân khấu mỗi lần xuất hiện.
Đáng buồn hơn, Ya Suy còn làm cho công chúng ngán ngẩm khi có con với người hâm mộ nhưng vô trách nhiệm, không nhận con. Ya Suy gần như không thể hiện được mình trong âm nhạc và khán giả chỉ nhớ đến Ya Suy với những bê bối đời tư. Có lẽ, con đường đi đến thành công tại “Thần tượng âm nhạc” là một phép màu thoáng chốc đối với chàng thanh niên người Chu Ru này. Giống như hoa nở tối tàn, Yasuy bây giờ gần như đã “bốc hơi” trong showbiz Việt. Chính Yasuy cay đắng thừa nhận: “Tôi bơ vơ trong showbiz”.
Tương tự như Yasuy, Hương Tràm - quán quân “Giọng hát Việt” 2012 khuấy động showbiz bằng những scandal khủng liên quan đến chuyện đời tư. Hương Tràm đánh mất mình khi trách móc huấn luyện viên Thu Minh, nói dối chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, ăn mặc hở hang phản cảm khi đi biểu diễn…
Gameshows “Ngôi sao Việt” cũng hứa hẹn sẽ có một “sao” tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam khi có sự đầu tư của nhà sản xuất Hàn Quốc. Với giải thưởng siêu khủng lên tới 7, 5 triệu đồng trong đó tiền mặt là 600 triệu đồng, ngoài ra gần 7 tỷ đồng, quán quân “Ngôi sao Việt” sẽ được đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp…
Với những bệ phóng chuyên nghiệp ấy, hài hước thay, sau gần hai năm cuộc thi khép lại, kỳ vọng của khán giả trong nước về một hình mẫu Ngôi sao Việt được đào tạo bởi nền công nghiệp K-Pop của quán quân với cái tên Thanh Tùng vẫn bặt âm vô tín ở nơi nào.
Thảo My - quán quân “Giọng hát Việt” mùa thứ 2 “mất hút” từ sau khi đăng quang. Người ta không thấy Thảo My có hoạt động âm nhạc gì nổi bật. Có lẽ những hào quang mà gameshows đem lại chỉ là thứ hư vô.
Giành ngôi vị quán quân của “Thần tượng âm nhạc Việt” năm 2008, khán giả mong chờ một sự bứt phá của Quốc Thiên nhưng cái mà người hâm mộ nhận được chỉ là những hình ảnh lu mờ theo ngày tháng. Đĩa nhạc phát hành sau chiến thắng của Quốc Thiên không mấy thành công cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại. Cộng thêm phong cách khá… nhạt, thiếu tính đột phá khi chỉ loay hoay với dòng nhạc ballad trữ tình, Quốc Thiên khó có thể xứng với danh hiệu quán quân “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” của mình.
Sau khi đăng quang “Tìm kiếm tài năng” năm 2013, luật sư tập sự Trần Hữu Kiên với chất giọng cao vút gần như mất hút trên sân khấu lớn. Ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chương trình lớn, cũng như không đủ kinh phí phát hành sản phẩm âm nhạc... là những nguyên nhân khiến người yêu nhạc chẳng buồn nhớ tới quán quân này là ai.
Sự nghiệp của Phạm Quốc Huy- quán quân “Ngôi nhà âm nhạc” 2012 chẳng mấy suôn sẻ. Vài tháng sau cuộc thi, Phạm Quốc Huy ra mắt single song không thu hút được nhiều sự chú ý của người yêu nhạc. Cái tên Phạm Quốc Huy mờ nhạt trong bản đồ âm nhạc Việt.
Hải Châu |
Các quán quân bị “thả nổi” với “đời”
Các quán quân - “sao một đêm” thi nhau rơi rụng như lá mùa thu. Những gì dễ dãi thì khó bền lâu. Điều này có vẻ đúng với với các hiện tượng game show Việt. Sau chương trình kết thúc, các quán quân bị “thả nổi” với “đời”. Các “sao một đêm” lao vào showbiz với tư tưởng của một người “trúng số độc đắc”, nên ít người giữ được mình.
Sự nổi tiếng đến quá nhanh kèm theo những hệ lụy về ứng xử văn hóa khiến quán quân dễ tuột dốc không phanh nếu không có người đỡ đầu định hướng. Họ đa phần tỏ ra lúng túng không biết bắt đầu từ đâu trong con đường sự nghiệp của mình. Chẳng có tài năng bền lâu nào mà không đào luyện qua thời gian, cũng chẳng có một thị trường âm nhạc nào mà ca sĩ đã thành danh lại không đầu tư vào chuyên môn.
Chưa kể, sự thiếu đầu tư một cách dài hơi cho các tài năng trẻ của các nhà sản xuất khiến các show truyền hình thực tế chỉ đơn giản là chương trình mang tính kinh doanh thay vì trở thành nơi ươm mầm các tài năng có thể đi một chặng dài trên con đường nghệ thuật. Thay vì đào tạo chính quy, kỹ lưỡng, các cuộc thi chỉ việc đánh bóng các tên tuổi qua các chương trình trực tiếp, vừa nhanh, lại vừa thu bộn tiền quảng cáo. Bỏ ra mức chi phí không hề nhỏ cho việc mua bản quyền cũng như xây dựng chương trình, việc thu lợi nhuận là công việc của nhà sản xuất.
Doanh thu chính của mỗi game show xuất phát từ quảng cáo. Mức rating càng cao thì thu hút càng nhiều hợp đồng. Họ sẵn sàng “thổi” một vài người thành quán quân. Đối với họ, “thổi” quán quân” là một chuyện, còn quán quân thành danh ở showbiz hay không lại là chuyện khác. Một quán quân chua xót: “Việc kỳ vọng vào ngôi vị quán quân và phía nhà sản xuất sẽ chắp cánh cho thí sinh trở thành ngôi sao là điều viển vông”.
Dường như, trong các gameshow Việt, đa số các quán quân bị mang giá trị ảo còn tiền tỷ các nhà sản xuất thu được mới là giá trị thật.