Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, trạm cân mà Sở này tiếp nhận chính thức hoạt động từ ngày 1/4. “Nhưng cách đây khoảng hai tuần thì cân bị hỏng, chính xác là bị sự cố về phần vi mạch” - ông Châu xác nhận.
Ông Châu đã phản ứng với trả lời của bà Bùi Thị Hải Yến - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho rằng, 90% hỏng hóc, lỗi của trạm cân là do nhân viên vận hành. “Hỏng hóc của trạm cân chúng tôi là do thiết bị điện tử. Quá trình cân thì chúng tôi phải truyền về Tổng cục Đường bộ, điều này phụ thuộc rất nhiều về vấn đề điện tử chứ không riêng gì con người. Về mặt con người thì anh em đã đi tập huấn tại DRVN, khi đưa trạm cân ra hoạt động thì anh em năm lần bảy lượt tập huấn nữa thì chúng tôi mới cho vận hành chứ không phải tự nhiên chúng tôi cho đi được” - ông Châu phản bác.
Theo ông Châu, dù đơn vị sản xuất khẳng định độ chính xác của cân lên đến 99,5%, tuy nhiên, đã có sai số gấp nhiều lần tại trạm cân của tỉnh Phú Yên đang vận hành. Ông Châu cho biết, vừa rồi đã xảy ra cãi vã giữa lực lượng chức năng và chủ xe, bởi xe đông lạnh khi xuất đi thì đã được cân tại chỗ rồi nhưng khi cân tại trạm cân lưu động thì có chênh lệch vượt đến 12 – 13%.
“Lái xe khẳng định cân của họ đúng nên dứt khoát không ký biên bản xử phạt. Nếu như cân lại để kiểm chứng thì sẽ nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về sau này” – ông Châu nói – “những trường hợp đó chúng tôi cũng bàn với anh em công an cho họ đi, và đồng thời anh em đang kiểm chứng lại cân với cân xách tay chênh lệch nhiều hay ít để báo cáo lên DRVN. Nhưng nếu cân đối chứng thì dứt khoát sẽ có chênh lệch giữa hai cân, không khéo điều đó sẽ thành phản ứng dây chuyền sẽ không hay”.
Tại tỉnh Lào Cai, việc hoạt động của trạm cân lại tuỳ thuộc hoàn toàn vào… thời tiết! Ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở GTVT Lào Cai khẳng định với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam: “Khi trời mưa là phải mang cân vào ngay”. Từ khi tiếp nhận trạm cân đến giờ Lào Cai cũng mưa chưa nhiều, nhưng mỗi khi đem trạm cân đi hoạt động thì “phải xem thời tiết nữa chứ”.
Trong mấy ngày qua, trạm cân tải trọng xe lưu động ở xã An Mỹ (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) ngừng hoạt động vì lỗi thiết bị. “Bệnh” của trạm cân bạc tỷ này là không cho kết quả sau khi kiểm tra tải trọng xe, máy tính nối với cân không kết nối với mạng 3G để truyền kết quả về DRVN. Đến chiều ngày 7/5, hỏng hóc tại trạm cân này vẫn chưa được khắc phục, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện:
Có sai sót thì phải …. rút kinh nghiệm
Liên quan đến tình trạng trạm cân bị hư hỏng, tân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện trả lời phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam:
Thưa ông, đến thời điểm hiện nay thì DRVN có tiếp nhận được nhiều thông tin trạm cân bị hỏng từ các địa phương không?
- Không trục trặc gì lắm, chủ yếu biết qua dư luận báo chí thôi. Mình bỏ cân tải trọng mấy năm nay rồi, giờ làm lại cũng có cái khó.
Thưa ông, dự án được chuẩn bị từ lâu, sao không đấu thầu mà lại chỉ định thầu?
- Cái cân này chúng tôi chào giá cạnh tranh và đúng quy định, không vấn đề gì đâu. Nếu mình nhập ngoài không ổn, vì bán xong thì đơn vị sản xuất không có trách nhiệm bảo hành. Do đó chúng tôi chỉ làm trong nước, và trong nước đơn vị nào tốt nhất thì làm thôi.
Tỷ lệ cân bị hỏng như vừa qua thì có được xem là quá nhiều không, thưa ông?
- Không, chỉ có một vài tỉnh thôi. Như hôm trạm cân tại tỉnh Vĩnh Phúc bị hỏng chiều hôm trước thì chiều hôm sau điều chỉnh xong.
Theo ông, có nên xem xét lại chất lượng từ đơn vị sản xuất không?
- Tất nhiên trong quá trình vận hành có sai sót thì mình phải rút kinh nghiệm, chỉnh sửa ngay chứ không vấn đề gì cả.
Xin cảm ơn ông!