Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Vấn đề đáng lo ngại xử lý nước thải sinh hoạt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn đề đáng lo ngại của khu vực này là nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại khu vực trong 3 năm từ 2020 - 2022 còn thấp với tỉ lệ lần lượt là 19,98%, 19,19% và 29,77%.
Nước thải tràn ra bãi biển Đà Nẵng. (Ảnh: PV)
Nước thải tràn ra bãi biển Đà Nẵng. (Ảnh: PV)

Tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, môi trường nước ta nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm. Từ các vấn đề nêu trên đã đặt ra cho chúng ta những thách thức trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.

"Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là triển khai có hiệu quả, đồng bộ các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần làm rõ thực trạng ô nhiễm nước, đất, không khí; những hạn chế còn tồn tại và đưa ra các giải pháp kiểm soát để chuyển từ bị động sang chủ động, tiến đến nâng cao chất lượng môi trường", ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng đề nghị các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tập trung tập trung triển khai một số nội dung quan trọng theo các quy định của Luật BVMT. Tập trung xây dựng các nội dung về BVMT trong quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch BVMT quốc gia, dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại khu vực; trong đó cần xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và làng nghề đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu BVMT; kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng BVMT.

Cùng với đó, triển khai công tác quản lý chất thải theo quy định pháp luật, có kế hoạch phân loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bắt đầu triển khai từ năm 2025 theo Luật BVMT nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; giám sát chặt chẽ các nguồn thải thông qua hệ thống quan trắc tự động liên tục.

Xây dựng các giải pháp để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực đang bị ô nhiễm hiện nay tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, vấn đề ô nhiễm lưu vực sông và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Theo báo cáo công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong giai đoạn 2020 - 2022, chất lượng không khí tương đối tốt và ổn định, nồng độ các thông số ô nhiễm tương đối thấp.

Kết quả quan trắc môi trường nước 2 năm qua, tại khu vực cửa sông, tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng vào mùa khô, điển hình là cửa sông khu vực hạ lưu lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Chất lượng môi trường nước biển ven bờ ở khu vực này đang chịu nhiều tác động và suy giảm.

Đến hết năm 2022, toàn khu vực có 39/51 khu công nghiệp (KCN) có công trình xử lý nước thải tập trung. Về quan trắc tự động liên tục, hiện nay, mới chỉ có 29/51 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đạt tỉ lệ 56,86%.

Vấn đề đáng lo ngại của khu vực này là nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại khu vực trong 3 năm từ 2020 - 2022 còn thấp với tỉ lệ lần lượt là 19,98%, 19,19% và 29,77%.

Năm 2022, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng đạt khoản 79,19%. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hầu hết vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó 50 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 105 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Tại Hội nghị, đại diện Sở TN&MT các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đã trao đổi, kiến nghị Bộ TN&MT tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật BVMT, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như đề xuất một số nội dung xem xét tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT; bổ sung, sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT trong thời gian tới; chia sẻ về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, không khí, đất, xử lý nước thải…

Đọc thêm