Cần thêm 'lực đẩy' phát triển dịch vụ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau nhiều năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg (ngày 13/2/2017) phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, đến nay ngành công nghiệp môi trường Việt Nam vẫn còn sơ khai, các dịch vụ môi trường còn hạn chế, rất cần thêm nhiều động lực để tiến xa hơn.
Thiếu dịch vụ môi trường ở các đô thị khiến vấn nạn rác thải không được xử lý triệt để. (Ảnh: PV)
Thiếu dịch vụ môi trường ở các đô thị khiến vấn nạn rác thải không được xử lý triệt để. (Ảnh: PV)

Còn nhiều thách thức

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Báo cáo Tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022 và định hướng giai đoạn 2022 - 2025 đã chỉ ra những nguy cơ và thách thức trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đang phải đối mặt. Đó là tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh; thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng xử lý chất thải…

Theo đó, phát triển dịch vụ môi trường sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng. Trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” đã đưa ra những mục tiêu cụ thể để phát triển công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng thế giới.

Cụ thể như phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường, 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường, 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam vẫn còn rất sơ khai. Ước tính, năng lực xử lý cung ứng dịch vụ môi trường nước ta mới đáp ứng được 2 - 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.

Chỉ xét riêng trong lĩnh vực xử lý rác thải nhựa, có thể thấy số lượng dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng rác nhựa vẫn còn hạn chế, không thường xuyên và chỉ tập trung tại một số đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm nhựa trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất tại các đô thị hiện nay.

Cần thêm “lực đẩy” chính sách

Nhằm tháo gỡ các thách thức, Nhà nước cũng đã chủ động đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao; hạ tầng đáp ứng cho phát triển công nghiệp môi trường từng bước được hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam…

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường. Về chính sách phát triển, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị, sản phẩm theo quy định tại nghị định này để đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường. Tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư sản xuất thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, phát triển công nghệ thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo luật định.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 về Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.

Ngành công nghiệp môi trường vẫn được xem là ngành mới, do đó doanh nghiệp công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô. Điểm thuận lợi là đã có những định hướng, chính sách “mở đường” cho lĩnh vực này phát triển, nhưng điểm hạn chế là vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các thiết bị, công nghệ, sản phẩm nội địa đang đối mặt với sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ... ngay chính trên “sân nhà”.

Như vậy, nhằm hiện thực hoá các chủ trương, chính sách, mục tiêu trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm “lực đẩy” chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp môi trường còn non trẻ phát triển thực chất và bền vững.