Cho rằng Hải Phòng đã có những bước đột phá mạnh mẽ, đặc biệt thành phố biển này còn sở hữu một hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, đảm bảo an sinh xã hội với mức trợ cấp cao gấp 4 lần các địa phương khác, tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà thành phố cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng; sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế…
Mong muốn Hải Phòng đứng trong top 10 cả nước về cải cách hành chính, Thủ tướng đề nghị cán bộ, cấp ủy chính quyền các cấp của thành phố phải ưu tiên tiếp nhận và giải quyết thông tin của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng; đồng thời tiếp tục trấn áp tội phạm, băng nhóm xã hội đen, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng lưu ý Hải Phòng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ; đặt mục tiêu phấn đấu tăng mạnh lượng hàng hóa thông quan qua cảng Hải Phòng.
Thủ tướng nhận định, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào sánh được, là thành phố cảng quan trọng bậc nhất của miền Bắc, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có vị trí chiến lược nằm trên “2 hành lang, 1 vành đai” hợp tác kinh tế với Trung Quốc… Bởi vậy, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng nhắc nhở thành phố cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường; thực hiện công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa. Thành phố cũng tập trung nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, hướng đến mô hình có giá trị kinh tế cao; chú trọng rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, đa dạng hóa các loại hình vốn đầu tư.
Đối với những bất cập trong cân đối thu, chi ngân sách, dẫn đến nguồn lực đầu tư cho phát triển không đáp ứng được yêu cầu (mặc dù tổng nguồn thu lớn, nhưng chi ngân sách của địa phương rất thấp; năm 2015, tổng chi ngân sách toàn thành phố là 15.485 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng chỉ 1.063 tỷ đồng), Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư của thành phố giải trình, nếu có vướng mắc về thể chế thì kiến nghị các nội dung cụ thể để Trung ương sửa đổi, hoàn thiện, tạo cơ chế thông thoáng để tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp Hải Phòng phát triển nhanh, toàn diện hơn.
Nhấn mạnh đến những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2017, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM và những thành phố lớn khác phải đồng cam cộng khổ cùng cả nước để hoàn thành nhiệm vụ chung. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng tập trung triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ và Đảng bộ thành phố về kinh tế - xã hội một cách quyết liệt hơn, phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế quan trọng để kéo đẩy kinh tế các địa phương trong cả nước. Hải Phòng phải tạo một sức sống mới, một niềm tin mới, một niềm hứng khởi trong đầu tư, làm ăn của người dân và doanh nghiệp. “Tinh thần này phải được quán triệt đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện của Hải Phòng để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp để có những ý tưởng kinh doanh tốt, hiệu quả; qua đó, nâng cao tính cạnh tranh. Chính quyền các cấp của thành phố phải chuyển động thực sự để phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng gợi mở.
Với thành công trong công tác thu hút các dự án từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia và các tập đoàn trong nước như: Bridgestone, LG, Electronics, LG Display, Vingroup, Him Lam, Hải Phòng xứng đáng giữ vị trí thứ nhất toàn quốc trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đầu năm 2016 đến 12/9/2016, tổng thu hút FDI trên toàn TP đạt 2.714 triệu USD, gấp 5,08 lần so với cùng kỳ năm 2015, vượt 42,86% so với kế hoạch thu hút FDI năm 2016.
Cụ thể, Hải Phòng đã cấp mới 34 dự án đầu tư với tổng số vốn cấp mới là 2.411 USD trong đó có 15 dự án cấp mới ngoài KCN, KKT với số vốn đầu tư 7,3 triệu USD, 19 dự án cấp mới trong KCN, KKT với số vốn đầu tư 2.404 triệu USD. Hải Phòng đã điều chỉnh tăng vốn 25 dự án đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm là 302,47 triệu USD, trong đó có 06 dự án ngoài KCN, KKT với số vốn tăng thêm 286,36 triệu USD. Tính đến ngày 12/9/2016, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn TO là 478 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 13.611 triệu USD.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Hải Phòng 2016 sáng qua, UBND TP công bố Quyết định thành lập Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP với mong muốn đây sẽ là cầu nối giữa chính quyền TP đối với doanh nghiệp. Qua đó, Hải Phòng sẽ tạo lập môi trường đầu tư, thương mại, du lịch theo hướng thông thoáng, minh bạch; đẩy mạnh cải cách TTHC trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty LG Innotek chuyên sản xuất linh kiện điện tử và các module camera siêu nhỏ với tổng mức đầu tư 550 triệu USD tại KCN Tràng Duệ; và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 200 triệu USD tại KCN Đình Vũ cho Tập đoàn Flat Hồng Kông với dự án sản xuất kính mặt trời.
Hội nghị cũng chứng kiến các Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP Hải Phòng và 27 doanh nghiệp, các nhà đầu tư như: Hãng Hàng không Vietjet về hợp tác phát triển du lịch, mở thêm một số đường bay quốc tế đi và đến Hải Phòng; Cty CP Khu công nghiệp Đình Vũ về triển khai KCN tại Cát Hải; Tập đoàn Him Lam về tiến độ Dự án khu du lịch và vui chơi giải trí cao cấp ở Đảo Dáu; Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường về Dự án Khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp; Tổng Công ty Xây dựng số 1- Bộ Xây dựng về đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua thành phố Hải Phòng theo hình thức đối tác công tư (PPP); Tập đoàn LLC (Tokyo) về dự án Sakura Golf Club; Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) và Cty CP KCN Đình Vũ về dự án sản xuất mành lốp ô tô; Tập đoàn FLC về khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đồ Sơn.