Vì vậy, Thủ tướng đã phải ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy nhà nước.
“Ép” vào khuôn “trên bảo dưới phải nghe”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang xây dựng một Chính phủ mới kiện toàn “chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”. Muốn vậy, Chính phủ cần có một đội ngũ cán bộ,CCVC (CBCCVC) làm việc với tinh thần “phục vụ”, đúng với trọng trách “công bộc của dân” và nhất là phải có kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trên tinh thần xây dựng “Chính phủ phục vụ”, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.
Chính phủ đã chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Kỷ luật, kỷ cương hành chính bước đầu đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ vẫn thừa nhận, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong các Chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành khác chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều Bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức.
Không phải đến giờ, những tồn tại, hạn chế này mới có mà thực sự nó đã “bám rễ” từ rất lâu và là hậu quả của một thời bộ máy chưa được cải cách, đổi mới và vận hành theo kiểu “hành dân là chính” như cảm nhận của rất nhiều người dân.
Thế nên, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác của bộ máy hành chính luôn có tình trạng “một bộ phận không nhỏ CBCCVC nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém” dẫn đến lãng phí thời gian lao động làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác không cao. Nguyên nhân chủ yếu đã được xác định là do trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
Vì thế, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, cơ quan, địa phương. Đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu đề ra; có ý kiến về sự phù hợp của nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao so với thực tiễn. Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.
Định kỳ hàng tháng hoặc sau mỗi đợt kiểm tra, Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đây là một biện pháp để “ép” các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không cho phép tình trạng các kết luận, chỉ đạo “nằm im ngoài thực tiễn” khiến dư luận nghi ngờ về nền công vụ “trên bảo dưới không nghe”, làm mất hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất của hệ thống công vụ và bộ máy nhà nước. Điều này cũng cho thấy quyết tâm của Thủ tướng và cũng để người dân, doanh nghiệp thấy được việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
“Chính phủ phục vụ” cần những công bộc có kỷ luật
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của Chính phủ, chính quyền các cấp đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân, theo các chuyên gia, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ, công vụ là đặc biệt quan trọng.
Bởi qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ phát hiện những CBCCVC có hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính, không nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc, không tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền… Những hành vi này phải được xử lý nghiêm để làm sạch bộ máy. Đồng thời, khen thưởng những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ thị kiên quyết tinh giản CCVC năng lực yếu, thiếu trách nhiệm. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với CBCCVC, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.
Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của CBCCVC làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản sốCCVC năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp xử lý các nội dung có liên quan. Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các nội dung được lấy ý kiến; hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đầy đủ thủ tục, nội dung; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc CBCCVC thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...
Mong muốn của nhân dân về một nền hành chính phục vụ là chính đáng vì suy cho cùng, chính quyền được thành lập là để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Nếu chính quyền không thể “vì dân phục vụ” thì nguyên tắc Hiến định “mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” sẽ không thành hiện thực. Và muốn vậy, trước hết mỗi CBCCVC đều phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính bởi nền hành chính có kỷ luật, kỷ cương thì nền hành chính mới có thể vận hành thông suốt. Qua đó niềm tin của người dân và doanh nghiệp với bộ máy Nhà nước và kỷ cương xã hội mới được củng cố vững chắc.
Nghiêm cấm CBCCVC lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. CBCCVC và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật”.