Các trạm “giải cứu” xe điện đang chết yểu, vì sao?

(PLO) - Sau hơn 5 tháng được đưa vào hoạt động, các trạm sạc xe điện miễn phí dường như vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả như nhiều người mong đợi. Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù mô hình “giải cứu” này đem lại nhiều tiện ích nhưng do còn tồn tại không ít hạn chế nên chúng đang dần có xu hướng chết yểu.
Trạm sạc xe điện miễn phí trên đường Điện Biên Phủ vắng bóng người

Mô hình hữu ích, thân thiện…

Ra mắt vào đầu tháng 5/2016, hệ thống 3 trạm sạc xe điện miễn phí do ban Dự án môi trường BooVironment lắp thí điểm tại các vị trí cố định ở Hà Nội như: số 18 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), số 308 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), số 133 Thái Hà (quận Đống Đa) đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô.

Bởi với những tiện ích của mình, xe điện đang trở thành phương tiện thông dụng của người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên và người lớn tuổi, tuy nhiên, nguy cơ hết điện nếu phải di chuyển quãng đường xa, hoặc người sử dụng quên không sạc đầy khi đang tham gia giao thông luôn là điều đáng lo ngại và là mặt hạn chế của loại hình phương tiện này.

Việc mở những trạm sạc điện trên đường đáp ứng được nhu cầu thực tế của những người sử dụng xe điện khi tham gia giao thông. Hơn nữa,  những trạm cứu viện xe điện này hoàn toàn miễn phí, người sử dụng không phải bỏ tiền ra để mua điện như việc bơm xăng cho xe máy nên tiềm năng nhân rộng mô hình ra toàn quốc là rất lớn.

Theo quan sát của phóng viên, tại các trạm các đều được trang bị đủ loại đầu sạc cho các dòng xe đạp điện và xe điện khác nhau. Mỗi trạm sạc một lúc được 2 xe, thời gian tối đa dành cho người sử dụng là 30 phút. Trên trạm sạc có bảng điều khiển ghi rõ mức điện áp và đồng hồ đo thời gian. Hướng dẫn sử dụng an toàn cũng được ghi đầy đủ trên mỗi trạm sạc.

Chị Nguyễn Thương (ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ với 30 phút sau khi sạc, xe có thể di chuyển được tiếp tục đoạn đường trên dưới 15km. Bình thường mình sạc xe tại nhà phải mất 7- 8 giờ mới sạc được đầy điện, có những lúc không kịp sạc điện, qua đây sạc trong vòng 30 phút có thể đủ điện đi tới trường”.

... nhưng đang dần chết yểu

Mô hình đem lại nhiều tiện ích là thế, tuy nhiên theo quan sát, các trạm sạc miễn phí chưa thực sự thu hút nhiều đối tượng người sử dụng. Anh Hùng, lái xe ôm gần điểm sạc 133 Thái Hà cho biết: “Mỗi ngày chỉ có trên dưới 10 lượt người sử dụng ghé qua sạc xe, có ngày thậm chí còn không có ai. Rất ít khi thấy cảnh người sử dụng phải xếp hàng đợi để được sử dụng sạc. Tại hai điểm trên đường Bà Triệu và Điện Biên Phủ còn vắng người dùng hơn”.

Lý giải về chuyện trạm giải cứu ít người ngó ngàng, em Trần Quang, học sinh Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trường học ngay gần điểm sạc xe nên nhiều khi hết điện có ghé vào đây sạc để đủ điện về tới nhà. Tuy nhiên, trạm sạc lắp trước cửa hàng nên việc đứng chờ trước cửa cảm thấy bất tiện, mà cũng không thể để xe đấy mà đi chỗ khác ngồi chờ được.

Theo quan sát, tất cả các trạm lắp thí điểm sạc miễn phí đều được lắp đặt trước cửa các cửa hàng kinh doanh thời trang. Xung quanh các trạm sạc cũng không có chỗ chờ hay mái che nắng, che mưa. Nhiều người có nhu cầu sử dụng tỏ ra e ngại khi mang xe tới trước của hàng để sạc điện mà cứ đứng hay đi lại trước cửa quán.

Ngoài ra, với những người chưa biết đến địa chỉ chính xác của ba trạm này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm. Nhiều người có nhu cầu sạc xe giữa đường sẽ rất vất vả để tìm được đến địa điểm sạc, bởi các trạm đều nhỏ và khó quan sát, không có biển thông báo nổi bật.

“Tôi biết đến trạm sạc miễn phí qua các phương tiện truyền thông, nên hứng thú và đến thử xem thực hư thế nào. Tuy nhiên, khi đến tìm theo địa chỉ cho trước thì tôi còn vòng qua vòng lại trạm sạc đến vài lần mà không biết. Biển thông báo gắn khá chìm giữa các biển quảng cáo của cửa hàng nên khó để ý và nhận ra” – Diệu Linh, sinh viên Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Theo ghi nhận, hầu hết người sử dụng đều cho rằng đây là một mô hình tốt cần nhân rộng, tuy nhiên các điểm đặt trạm sạc nếu cân nhắc và đầu tư đồng bộ thì sẽ phát huy được hiệu quả hơn. Nói cách khác, nên đặt trạm sạc tại một số nơi dễ nhìn hoặc gần trường học. Các biển thông báo trạm sạc cũng nên được dựng ở vị trí nổi bật để người có nhu cầu dễ dàng tìm thấy.

Vốn dĩ mô hình này miễn phí và dành cho tất cả mọi người có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, đánh trúng nhu cầu chưa đủ, cần phải có hình thức kết nối, tiếp cận hiệu quả hơn để đem sự hữu ích này tới đông đảo người có nhu cầu, đồng thời phát huy được tối đa hiệu quả hoạt động của mô hình thiết thực, thân thiện mà miễn phí này.

Đọc thêm