Có hay không thành tích “ảo” cụm thi địa phương?
Theo thống kê ban đầu của các cụm thi tốt nghiệp, do các Sở GD-ĐT tổ chức cho thấy, trên cả nước, ở một vài tỉnh như cụm thi Sơn La, Quảng Bình, Bình Định, Quảng Nam có điểm thi THPT quốc gia của các bộ môn và đặc biệt là các môn thi tự luận cao hơn cụm thi đại học được tổ chức tại cùng địa phương.
Trong khi đó số thí sinh tại cụm thi đại học chủ yếu có học lực khá lại có tỷ lệ điểm liệt nhiều hơn cụm thi địa phương. Theo đó, rất nhiều ý kiến chỉ ra rằng, hiện tượng điểm thi tại cụm thi địa phương cao bất thường tại một số tỉnh, thành trên cả nước căn nguyên là do bệnh thành tích.
Bởi, cụm thi địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT cho các thí sinh. Với tâm lý đó, theo nhận định ban đầu, các cụm thi địa phương có cơ chế nới lỏng hơn cho các thí sinh dự thi tại cụm thi này.
Đặc biệt, chỉ riêng với môn Ngoại ngữ, tỉnh có điểm trung bình cao nhất là Bến Tre với mức điểm 4,81, cao hơn mức trung bình của cả nước tới hơn 1,5 điểm. Xếp ở vị trí tiếp theo về môn Ngoại ngữ là các tỉnh Lào Cai (4,4), Cao Bằng (4,2), Đắk Nông (4,16) và Lai Châu (4,16). Thành phố Hồ Chí Minh có mức điểm trung bình môn Ngoại ngữ là 4,11, xếp ở vị trí thứ 6.
Nếu chỉ tính các tỉnh, thành có lượng thí sinh dự thi trên 10.000 thì TP HCM là địa phương có điểm trung bình môn Ngoại ngữ cao nhất. Hà Nội xếp ở vị trí thứ 13 với mức điểm trung bình là 3,56, xếp sau Đắk Lắk (3,62). Thành phố Đà Nẵng có mức điểm trung bình môn Ngoại ngữ là 3,53, xếp ở vị trí thứ 15.
Các tỉnh xếp cuối bảng trong môn Ngoại ngữ là Lạng Sơn (2,57), Hà Tĩnh (2,6), Thái Nguyên (2,74). Có 30 tỉnh có mức điểm trung bình môn Ngoại ngữ dưới mức trung bình chung của cả nước. Mức trung bình cả nước môn Ngoại ngữ là 3,23... Nếu nhìn vào phổ điểm đó, rõ ràng thí sinh các tỉnh miền núi học ngoại ngữ giỏi hơn khu vực thành thị?
Xét tuyển từ 1/8 - lo ảo?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay mức độ phân hóa đề tốt nên có nhiều điểm cao, các trường top đầu sẽ dễ tuyển sinh hơn nhờ dải điểm đồng đều.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết đến thời điểm này, tất cả các cụm thi công bố điểm thi diễn ra rất thông suốt, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Vì năm nay việc công bố theo từng cụm, không công bố đồng thời và 120 cụm công bố không tập trung, đặc biệt là nhờ sự trợ giúp của Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung công sức vào đường truyền nên không có tình trạng nghẽn mạng xảy ra.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, mức độ phân hóa đề thi năm nay rất tốt, nhiều điểm cao 9, 10. Những năm trước phân hóa không tốt lắm nên phổ điểm rất dốc khiến nhiều trường top trên rất khó tuyển sinh. Nhận định ban đầu là năm nay dải điểm khá đồng đều nên các trường top trên có thể tuyển thí sinh dễ dàng hơn.
Chia sẻ về việc điểm môn Ngoại ngữ của các thí sinh trong năm nay bị cho là khá thấp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, thật ra đối với những em thi khối D hay khối A1 thì điểm Ngoại ngữ rất cao, nhưng các em ở các vùng núi, vùng khó khăn thì chất lượng giáo dục chưa được đảm bảo nên điểm thi không cao. Trong đề thi năm nay, Bộ muốn kiểm tra đều các kĩ năng của các em nên có phần thi viết. Tuy nhiên, các em ưu tiên cho phần thi trắc nghiệm nên đã bỏ qua phần viết chứ không phải đề thi khó; bởi đề thi đã được các chuyên gia hàng đầu làm, nên không có chuyện đề năm nay khó hơn năm trước.
Hiện Bộ GD- ĐT đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan truyền thông để chuẩn bị điều kiện cơ sở hạ tầng kĩ thuật, nhiều máy chủ được đặt tại các miền khác nhau, những trường có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ có máy chủ riêng để phân tán lượng truy cập.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Việc đăng ký trực tuyến rất đơn giản, không có quá nhiều thao tác. Khi các thí sinh thực hiện quá trình đăng ký cũng không mất nhiều thời gian. Bộ nâng cao cơ sở hạ tầng kĩ thuật, đơn giản hóa phần mềm xét tuyển nên hi vọng năm nay việc thực hiện xét tuyển trực tuyến sẽ diễn ra suôn sẻ.
Trong năm 2016, Quy chế xét tuyển ĐH - CĐ có nhiều thay đổi. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay các thí sinh chỉ có thể nộp hồ sơ vào trường và không được rút ra thay đổi nguyện vọng. Đợt 1 mỗi em nộp hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, đợt tiếp theo được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng các thí sinh cần suy xét thật kĩ vì không thể thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển. Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm rằng các thí sinh có hai kênh tham khảo rất cần thiết và quan trọng, đó là điểm xét tuyển vào các trường, các ngành của năm ngoái và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được hội đồng công bố sắp tới.
Bộ GD-ĐT không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn hoặc bằng đợt trước để các trường quyết định được số lượng thí sinh mỗi đợt không vượt quá chỉ tiêu hoặc không bị thiệt thòi chỉ tiêu. Như vậy, ngoài các thí sinh điểm cao có khả năng vào các trường top đầu, khoảng điểm 15-21 điểm là mức phổ điểm chung với phần lớn thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Vậy với mức điểm này, các thí sinh nên đăng ký xét tuyển các trường phù hợp với mức điểm của mình.
Bộ đã tính toán các biện pháp để giảm thiểu khả năng trúng tuyển ảo
Trong năm nay, Bộ GD-ĐT đã có nhiều thay đổi căn bản để đảm bảo việc xét tuyển thuận lợi đối với cả thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay chính là số lượng trúng tuyển ảo có khả năng gia tăng vì Bộ đã cho thí sinh nộp nguyện vọng vào hai trường trong đợt đầu tiên. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã tính toán các biện pháp, cho các trường xét tuyển theo nhóm, như nhóm GX và nhóm ĐH Đà Nẵng để giảm thiểu khả năng trúng tuyển ảo. Sau khi trường công bố kết quả xét tuyển thì thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi trong thời gian quy định, nếu quá thời hạn quy định thì xem như thí sinh đó không có ý định nhập học. Nhà trường sẽ biết để gọi bổ sung chỉ tiêu...