Từ giảng viên truyền thống đến người dẫn đường số
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII), đội ngũ giáo viên tại Tuyên Quang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Không còn chỉ là người giảng dạy truyền thống, giáo viên nay trở thành người hướng dẫn, ứng dụng công nghệ số để làm mới phương pháp, truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Trong năm 2023, hơn 13.000 giáo viên trong toàn tỉnh đã tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số. Riêng chương trình Robotics và lập trình ứng dụng vào giảng dạy đã thu hút 680 giáo viên tham dự. Các phần mềm dạy học hiện đại như Quizizz, Azota, Wordwall, Buzan Mindmap, K12 Online, hay mô phỏng thực nghiệm như PhET Interactive Simulations... được khai thác linh hoạt trong giảng dạy, tạo ra môi trường học tập tương tác, sinh động.
Sở GDĐT đã phát động phong trào thi đua “Toàn ngành giáo dục Tuyên Quang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số”, thu hút đông đảo giáo viên tham gia, lan tỏa tinh thần đổi mới đến từng lớp học.
Số hóa đồng bộ – đổi mới từ quản lý đến lớp học
Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá chiến lược, Sở GDĐT đã ban hành hàng loạt kế hoạch hành động như Kế hoạch số 03/KH-SGDĐT (2022), Kế hoạch 24 (2023) và Kế hoạch 127 (2024), đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành giáo dục và Tổ Công nghệ thông tin từ tỉnh đến các đơn vị trường học.
![]() |
Sở giáo dục và đạo tạo tỉnh Tuyên Quang hội thảo ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong ngành giáo dục (Ảnh: Lê Hanh) |
Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý như SMAS, vnEdu, kết nối đồng bộ lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Bộ GDĐT và trung tâm điều hành IOC. 100% văn bản hành chính của ngành được xử lý qua hệ thống điều hành điện tử và ký số. Học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, quản lý văn bằng, thi tuyển sinh trực tuyến… đều đã được triển khai.
Các nền tảng học trực tuyến như Khan Academy, K12 Online, VnEdu Content School, kho học liệu số tại igiaoduc.vn, nền tảng “5 phút thuộc bài”... được khai thác để phục vụ bài giảng, tổ chức lớp học mở và kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Cổng thông tin và Fanpage Sở GDĐT là kênh truyền thông hiệu quả, ghi nhận hơn 1,5 triệu lượt truy cập website và 40.000 lượt theo dõi fanpage tính đến cuối năm 2023. Từ đây, ngành đã tạo dựng được hệ sinh thái truyền thông số hiệu quả, minh bạch, tương tác hai chiều với giáo viên – phụ huynh – học sinh.
Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng và dữ liệu số
Song hành với đổi mới phương pháp giảng dạy, ngành GDĐT Tuyên Quang không ngừng nâng cấp hạ tầng công nghệ. Trong năm 2023, tỉnh đã đầu tư 230 phòng máy tính, trên 200 màn hình tương tác thông minh; 100% cơ sở giáo dục có kết nối internet tốc độ cao. Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup còn tài trợ 182 bộ máy tính với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng cho các trường thuộc vùng khó khăn.
![]() |
Lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội thảo ( Ảnh: Lê Hanh) |
Ngành cũng đã hoàn thiện kho dữ liệu ngành giáo dục, tích hợp thông tin học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh… Các phần mềm kế toán, quản lý tài sản, hệ thống báo cáo số thời gian thực, nền tảng thanh toán học phí không dùng tiền mặt… đều đang dần đồng bộ hóa.
Đặc biệt, mô hình xác thực thi trực tuyến bằng CCCD gắn chip điện tử đã được thí điểm thành công tại Trường THPT Sông Lô, hướng tới một hệ thống thi cử minh bạch, an toàn và tiết kiệm nguồn lực.
Giáo dục STEM – Định hướng công dân số tương lai
Giáo dục STEM và STEAM được xác định là trọng tâm đổi mới, góp phần hình thành tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề cho học sinh. Trong năm qua, đã có 1.245 cán bộ, giáo viên được tập huấn sử dụng các phần mềm hỗ trợ tư duy như Buzan Mindmap, “5 phút thuộc bài”, và triển khai dạy học mô phỏng qua PhET.
Ngành giáo dục cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM cấp huyện, cấp trường; xây dựng chủ đề học tập STEM tích hợp thực tiễn; thí điểm dạy lập trình và tư duy số từ cấp tiểu học.
Thách thức phía trước và định hướng bền vững
Dù đã đạt nhiều thành tựu, ngành GDĐT Tuyên Quang vẫn còn không ít khó khăn: chưa có nền tảng học liệu số thống nhất, thiếu kinh phí duy trì hạ tầng, một bộ phận phụ huynh chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ thanh toán số, thiếu nhân lực CNTT chuyên trách, và kết nối liên thông giữa các phần mềm vẫn còn rời rạc.
Để khắc phục, ngành đang đề xuất bổ sung ngân sách xây dựng hệ thống học liệu số dùng chung, nâng cấp hạ tầng số, thuê nền tảng dạy học trực tuyến, xây dựng phần mềm thanh toán học phí, và hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số kết nối LGSP của tỉnh.
Hướng tới năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, ngành tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý và dạy học, triển khai toàn diện học bạ điện tử, thanh toán học phí online, kiểm tra – đánh giá trực tuyến và đa dạng hóa hình thức học tập cá nhân hóa trên nền tảng số.
Chuyển đổi số trong giáo dục Tuyên Quang không chỉ là nhiệm vụ, mà là cơ hội. Một cơ hội để mỗi giáo viên trở thành “người dẫn đường công nghệ” – dẫn dắt thế hệ học sinh tiếp cận thế giới tri thức hiện đại, sáng tạo và linh hoạt hơn bao giờ hết.