Những ngày hội hè, lễ lạt mùa xuân lại đáng cảnh báo câu chuyện này vì rất nhiều người có thói quen nướng mực bằng cồn để làm mồi nhậu. Như trường hợp của chị Lê Thị Công Luận (26 tuổi, quê ở xã Hoàng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi cùng chồng đi thăm bà ngoại về, chị Luận vào bếp nướng cá để hai vợ chồng ăn khuya. Bất ngờ, chai cồn để trên nóc bếp rơi xuống, đổ hết vào người chị Luận. Lửa đang cháy gần đó bắt vào. Ngay lập tức, người chị bùng lên như một ngọn đuốc. Chị Luận bị bỏng tới hơn 80%, bỏng sâu 40% và hoại tử 11%. Chị Luận điều trị cả năm trời mới bớt đau đớn.
Do lửa cồn có màu trắng nên nhiều người không nhìn thấy lửa, tưởng rằng cồn đã hết liền tiếp tục đổ thêm cồn vào, khiến ngọn lửa bùng lên. Một số người giật mình, rụt tay lại, làm đổ cả chai cồn, khiến lửa càng bùng lên dữ dội, gây bỏng nặng. Chính vì vậy, khi nướng mực, cá cần chú ý, chỉ đổ một lượng cồn vừa phải ra để sử dụng. Chai cồn cần được đậy nắp thật chặt và để cách xa nơi nướng. Khi cần tiếp thêm cồn, nên đổ cồn ra một cái chén nhỏ, đợi đến khi chắc chắn lửa đã tắt hẳn thì mới cho thêm cồn vào.
So với cồn nước, cồn khô an toàn hơn do ít gây cháy lan, tuy nhiên người dùng vẫn có thể bị bỏng nếu không tuân thủ một số chú ý sau đây: Không được lấy tay bỏ cục cồn vào bếp mà phải dùng kẹp gắp, đặc biệt khi bếp đang cháy; khi châm cồn nên dùng miếng giấy dài, tuyệt đối không được châm trực tiếp bằng diêm hoặc bật lửa.
Khi bị bỏng cồn cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; cởi bỏ quần áo, giày dép đang cháy và dùng nước để dập lửa. Ngâm vết bỏng vào nước lạnh ngay lập tức, nếu để sau 15-20’ sẽ không có tác dụng. Dùng băng gạc quấn chặt chỗ bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Trường hợp cơ sở y tế ở xa, cần cho bệnh nhân uống nước orezon để tránh sốc.
Tuyệt đối không làm vỡ đám rộp nước; không bôi bất cứ dầu, mỡ, kem đánh răng, rượu, muối, bùn… lên vết bỏng, để tránh làm nhiễm khuẩn vết thương, gây di chứng nghiêm trọng sau bỏng.