|
Xu Yanjun sau khi bị bắt. (Ảnh: SCMP) |
Ngày 1/4/2018, một ngày cuối tuần trong dịp lễ Phục sinh, Xu Yanjun đã xuất hiện giữa các quán bar và nhà hàng tại vùng Sainte Catherine ở thành phố Brussels. Trước đó, Xu đã đáp chuyến bay tới Amsterdam, Hà Lan và lái xe tới Bỉ. Tuy vậy, theo các nhà chức trách Mỹ, Xu không phải là khách du lịch bình thường.
Xu được cho là tới gặp một kỹ sư của GE Aviation - tập đoàn của Mỹ chuyên thiết kế động cơ máy bay. GE Aviation đã dành hàng chục năm và rót hàng triệu USD để phát triển các vật liệu tổng hợp, cho phép chế tạo các cánh quạt và phần vỏ nhẹ hơn, cứng hơn và rẻ hơn bên trong các động cơ máy bay.
Theo cáo trạng của Mỹ, Xu dự tính tới gặp kỹ sư của GE Aviation để chuyển giao các bí mật công nghệ. Washington nghi ngờ Xu chính là một gián điệp của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS).
Mọi chuyện xảy ra khiến Xu Yanjun bất ngờ.
Thay vì gặp đối tác người Mỹ như dự tính, Xu được các cảnh sát Bỉ “chào đón” bằng lệnh bắt giữ quốc tế do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ban hành.
Theo cáo buộc của Mỹ, âm mưu đánh cắp thông tin mật của Xu Yanjun được cho là bắt đầu từ tháng 3/2017. Một kỹ sư người Mỹ của GE Aviation, tập đoàn chế tạo động cơ cho cả hãng hàng không dân sự và quân sự, đã nhận được một bức thư điện tử từ một nhân vật nào đó tại Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh. Đây là trường kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc và có hợp tác với các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc.
Với danh nghĩa là quan chức hiệp hội công nghệ, Xu Yanjun đã tìm cách thuyết phục kỹ sư Mỹ tới Trung Quốc theo chương trình trao đổi để thuyết trình tại trường đại học và toàn bộ chi phí đi lại sẽ được đài thọ. Kỹ sư của GE Aviation sau đó đã tới Trung Quốc và có bài phát biểu vào ngày 2/6.
Theo cáo trạng của Mỹ, chức vụ thực sự của Xu Yanjun tại Bộ An ninh Quốc gia là phó giám đốc cơ quan an ninh quốc gia thuộc tỉnh Giang Tô. Tuy nhiên, Xu được cho là đã đưa cho kỹ sư Mỹ một danh thiếp, trong đó đề tên là Qu Hui và làm việc cho một tổ chức thúc đẩy khoa học công nghệ. Xu đã thanh toán tiền khách sạn và các bữa ăn cùng khoản phí 3.500 USD cho bài thuyết trình của kỹ sư GE.
Cặp đôi sau đó vẫn giữ liên lạc và các tài liệu tiếp tục được gửi. Kỹ sư người Mỹ được yêu cầu gửi các thông tin mật của GE Aviation cho Su Yanjun. GE Aviation rốt cuộc đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nhân viên của mình với một đối tượng tại Trung Quốc và người này đã phải hợp tác với cả GE và cơ quan hành pháp Mỹ.
Trong khi đó, Xu vẫn chưa biết câu chuyện với kỹ sư Mỹ đã bại lộ và chính người này đang “nhử” ông ta. Xu được cho là muốn có một ổ cứng chứa dữ liệu mang tới một cuộc họp ở châu Âu. Vào ngày 1/4, Xu có mặt ở Bỉ và bị bắt.
Mỹ cho biết công việc của Xu là tiếp cận các thông tin kỹ thuật từ các công ty hàng không vũ trụ của Mỹ và châu Âu. Từ năm 2013, Xu đã làm việc với các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc để nhận dạng và nhắm mục tiêu tới các kỹ sư sở hữu những bí mật mà Trung Quốc đang cần, sau đó chuyển các dữ liệu cho chính phủ, viện nghiên cứu và các công ty Trung Quốc.
Xu bị giam giữ trong 6 tháng trước khi được dẫn độ tới Mỹ với cáo buộc âm mưu gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại. Vụ việc của Xu đã từng có tiền lệ, song đây là một phần trong chiến dịch ngày càng mạnh tay của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Không chỉ ở Mỹ
Mạng xã hội được cho là "địa bàn" hoạt động của gián điệp Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
Phía Mỹ nhận định vụ việc của Xu Yanjun là ví dụ điển hình cho kế hoạch của Trung Quốc, trong đó giới chức tình báo nước này sẽ phối hợp với các công ty để đánh cắp bí mật thương mại từ phương Tây và sử dụng các bí mật đó để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
“Xét trên khía cạnh đe dọa tới an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ, Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại ở vị trí số một”, Bill Evanina, cựu quan chức FBI và hiện là giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ, nhận định.
Xu không phải gián điệp duy nhất của Trung Quốc có liên quan tới lĩnh vực hàng không. Trong vụ việc khác được hé lộ chỉ vài tuần sau đó, một nhóm các sĩ quan tình báo và tin tặc bị cáo buộc có liên quan tới nhánh của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc tại Giang Tô.
Tình báo Trung Quốc rất kiên trì trong việc xác định “con mồi” trên các nền tảng mạng xã hội như mạng xã hội việc làm Linkedin. Họ được cho là đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin nhạy cảm từ các công ty thông qua việc tiếp cận chính các nhân viên của các công ty này và mời họ tới Trung Quốc thuyết trình.
“Nếu xét từ khía cạnh tình báo, việc gửi đi 30.000 - 40.000 thư điện tử, sau đó được 20, 30 hoặc 40 người hồi đáp và trả lời rằng “Tôi có công nghệ đó. Tôi có thể tới để thuyết trình” là phương án có khả năng thành công cao và tiềm ẩn ít rủi ro. Đó là cách làm rất thành công với họ”, quan chức Mỹ Evanina nhận định.
Một năm trước, cơ quan an ninh Đức cảnh báo khoảng 10.000 người Đức đã bị các tài khoản giả mạo liên lạc. Họ gắn mác là các nhà tuyển dụng, cố vấn, chuyên gia hoặc học giả, song thực chất là các gián điệp Trung Quốc. Ngoài ra, các gián điệp Trung Quốc được cho là cũng nhắm mục tiêu tới các đối tượng ở Anh.
Giới chức an ninh Anh đặc biệt quan ngại về việc các trường đại học tại nước này có thể trở thành mục tiêu cho các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc. Hoạt động này có thể thực hiện thông qua việc các cá nhân được mời tới Trung Quốc, việc các gián điệp Trung Quốc tới phương Tây dưới mác sinh viên và mang theo các bí mật về nước, hay thậm chí có nguy cơ tiềm ẩn từ sự hợp tác giữa các trường đại học.
“Việc các tin tặc có liên quan tới nhà nước Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, chẳng hạn từ các trường đại học và các công ty kỹ thuật lớn của Anh, đã có lịch sử lâu đời”, Robert Hannigan, cựu lãnh đạo cơ quan thông tin tình báo Anh GCHQ, cho biết.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thể hiện rõ quyết tâm đẩy lùi nguy cơ gián điệp của Trung Quốc. Washington đã theo đuổi chiến lược vạch trần các nghi phạm gián điệp như Xu Yanjun trong những tháng gần đây. Mối quan ngại hiện nay là Trung Quốc không chỉ sử dụng gián điệp để phục vụ tăng trưởng kinh tế mà còn để mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới.
Australia gần đây đã nổ ra cuộc tranh cãi về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt tại các trường đại học và trong hệ thống chính trị của Australia. Hồi tháng 6, Australia đã thông qua luật chống can thiệp của nước ngoài, được cho là nhằm đối phó với các kế hoạch của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Anh cũng ngày càng cảnh giác hơn với Trung Quốc. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Anh (MI6) Alex Younger hồi tháng trước cảnh báo cán cân toàn cầu dường như đang nghiêng về phía Trung Quốc khi nước này có sức mạnh đáng kể về vốn, quyền lực chính trị và công nghệ.
“Quyền lực, tiền bạc và chính trị đang hướng về phía đông. Đó là một thực tế chính trị mà chúng ta cần thích nghi”, ông Younger nhận định.