Cuộc đua chuyển đổi số
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, mở ra cho kinh tế Việt Nam một thị trường rộng lớn. Trong đó, FTA giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) được đánh giá là con đường để doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam tận dụng để lớn lên.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 800.000 DN đang hoạt động, trong đó DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Do đó, EVFTA chính là cánh cổng mở ra cho cộng đồng DN này cơ hội lớn để thay đổi mình.
Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhận định, EVFTA có thể hỗ trợ tích cực cho nhóm DNVVN theo 2 hướng là “tĩnh” và “động”. Cụ thể, EVFTA tạo ra những điều kiện thuận lợi cho thương mại cũng như tháo gỡ rào cản về pháp lý, tạo động lực để Nhà nước tiến hành cải cách, giảm thuế, giảm quan liêu, giảm thủ tục không cần thiết, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và dễ dự đoán. Đó là phần “tĩnh”. Còn phần “động” chính là lời thúc giục DN tích cực tham gia xuất nhập khẩu, tích cực thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng, từ đó từng bước nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng phần “động” này, DNVVN Việt Nam phải bước vào một cuộc chạy đua chuyển đổi số. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không phải là một vấn đề gì lớn lao, hoàn toàn có thể bắt nguồn từ những câu chuyện nhỏ nhặt nhất.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định, nguồn lực trực tuyến là mở, bất kỳ một DN nào cũng có thể tận dụng để thay đổi. Chuyển đổi số, nói một cách đơn giản nhất chính là tận dụng môi trường trực tuyến, mà những DN bán lẻ, hợp tác xã sản xuất nông sản, thực phẩm… đều có thể tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà sáng lập Bizfly cho rằng, hiện nay nhiều DN đang chuyển đổi số nhưng lại không ý thức được đang thực hiện công việc này. Ví dụ, bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot (thảo luận trực tuyến), dùng các hệ thống tự động hoá… chính là các hoạt động của chuyển đổi số.
Ông Tuấn cũng cho rằng, chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất. Các DNVVN có thể triển khai từng khâu, không cần phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống DN. “Chuyển đổi số chính là cơ hội cho DNVVN có thể phát triển nhanh hơn, nếu như có thể xác định được những lợi ích, chi phí đầu tư và tìm hiểu cách chuyển đổi số bắt đầu từ đâu” - ông Tuấn khẳng định.
Tận dụng môi trường trực tuyến
Cựu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cho biết, thống kê có tới 70% DNVVN Việt Nam được hưởng lợi ngay lập tức từ khi EVFTA đi vào hiệu lực và 29% DN nhìn thấy cơ hội trong tương lai tới. Do đó, chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các DN Việt Nam tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Đặc biệt trong thời kỳ Covid hiện nay, tất cả các cách thức truyền thống để tiếp cận thị trường đã và đang thay đổi. Trực tuyến chính là cầu nối duy nhất để cung -cầu gặp nhau, kể cả các DN bán hàng cũng như DN sản xuất. Chỉ khi số hóa tất cả các thông tin, DN mới có thể tiếp tục bàn cầu chuyện hợp tác, mua bán hay giao dịch. Do đó, theo Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam, trong khi chờ đợi để có thể tận dụng phần “tĩnh” thì cộng đồng DNVVN cần quyết liệt thay đổi để tận dụng phần “động” trước tiên.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, muốn cộng đồng DNVVN lớn lên, Chính phủ Việt Nam cần giúp họ tăng cường năng lực hội nhập, đáp ứng được các quy định của các hiệp định như khuôn khổ pháp lý, cấp phép đầu tư - kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, đảm bảo việc ra quyết sách cần thích ứng với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho rằng, thực tế hiện nay hầu hết các DNVVN chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Chính vì vậy, theo ông Thân, DNVVN cần tận dụng thời điểm toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trang bị cho mình những công cụ trực tuyến hữu hiệu nhất để tiếp cận với thế giới và nắm bắt cơ hội để đưa mình vào hệ thống thông tin của toàn cầu.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cũng cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19, DNVVN cần nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh, tìm mọi cách để có thể giới thiệu thế mạnh của mình với thị trường thế giới. Cộng đồng DNVVN cần nhanh chóng tận dụng “khoảng thời gian vàng” này để từng bước đưa mình vào sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.