Cách nào giúp doanh nghiệp ứng phó với thuế carbon?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo lộ trình của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), từ ngày 1/1/2026, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp thuế carbon đối với 6 mặt hàng khi xuất khẩu vào EU. Cần phải làm gì để giúp doanh nghiệp (DN) Việt thích ứng với sự điều chỉnh này?
Sản xuất thép hiện đang đứng trước áp lực lớn của CBAM. (Ảnh: VSA).
Sản xuất thép hiện đang đứng trước áp lực lớn của CBAM. (Ảnh: VSA).

Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng về CBAM

Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM nhận định, đối với những cơ chế mới như CBAM, doanh nghiệp (DN) sẽ rất lúng túng để tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị các kế hoạch ứng phó. Bởi, nếu chỉ hiểu theo một cách thông thường nhất, ví dụ, hiện, hầu hết đều cho rằng, nếu DN không thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính (KNK) cho sản phẩm thì họ sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, từ đó, tất cả ồ ạt tìm cách kiểm kê KNK.

Tuy nhiên, “Nếu DN không tìm hiểu và không có một hướng dẫn của cơ quan đầu mối chính thức thì DN sẽ không thể nắm được phải kiểm kê KNK theo tiêu chuẩn nào. Do đó, nếu DN không có một cơ quan đầu mối hướng dẫn có thể sẽ mất rất nhiều công sức để chuẩn bị, nhưng lại có thể sẽ lãng phí, không hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu của CBAM” - bà Loan nói.

Hoặc, thậm chí có những DN vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị việc phản ứng với CBAM. Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của châu Âu vẫn chưa rõ ràng và chưa có sự công nhận liên quan đến các cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ thì việc chuẩn bị của DN, trong trường hợp này, tưởng như có lợi thế nhưng ngược lại, lại có thể tác động không tốt đến nỗ lực của DN và gây thiệt hại về mặt tài chính.

Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, Việt Nam cũng đã hình thành cơ chế, chính sách về giảm phát thải carbon nhưng những quy định của CBAM lại không giống như quy định của Việt Nam. CBAM có những mở rộng hơn về quy định, về phạm vi tính toán. Do đó, cần sự vào cuộc của cơ quan có chuyên môn để trong quá trình đàm phán với EU có thể đi đến thống nhất về phương pháp, cách tính, phạm vi. Từ đó, các cơ quan chuyên môn sẽ có những tập hợp và có những hướng dẫn chính thức cho các doanh nghiệp.

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, thép là một trong 6 mặt hàng đầu tiên chịu tác động trực tiếp của CBAM. Trong khi đó, EU là một thị trường rất lớn, đứng trong Top 3 thị trường lớn nhất của thép Việt Nam. Do đó, khi có những quy định của một tổ chức, một định chế cách xa Việt Nam với một ngôn ngữ khác thì cần có một cơ quan chính thống để hướng dẫn DN.

Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, để ứng phó với CBAM thì Bộ Công Thương đã đề xuất một số nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên liên quan đến vấn đề thể chế, tức là đầu tiên phải xác định được một cơ quan đầu mối chính thức. Tiếp theo, xây dựng một quy định liên quan đến giá carbon. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ như hỗ trợ để doanh nghiệp giảm thải carbon ít hơn hoặc có các nguồn vốn xanh để DN tiếp cận…

Ông Thái cũng cho biết, khi bắt đầu manh nha có cơ chế CBAM thì VSA đã bắt đầu tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này. Theo đó, VSA đã đưa thông tin CBAM vào bản tin hàng tháng của Hiệp hội nhằm giúp cho DN biết có thể nắm được thông tin và tương lai sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU của các DN thép Việt Nam.

Song song đó, VSA đã cùng các DN đã tích cực tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, cố gắng áp dụng những biện pháp, giải pháp trong các hoạt động hàng ngày cũng như trong vận hành sản xuất để làm sao giảm được phát thải carbon, tiến tới chuyển đổi xanh cũng như trong tương lai sẽ áp dụng được các giải pháp sản xuất thép xanh hơn; Đồng thời VSA hiện cũng đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các DN trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để chuyển đổi xanh và ứng phó kịp thời với CBAM. Tuy nhiên, theo ông Thái, để có thể chuyển đổi được thì DN cũng cần có những sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, về mặt công nghệ kỹ thuật cũng như vốn hỗ trợ từ các quỹ tín dụng xanh. Do đó, Hiệp hội mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cũng có hướng dẫn để DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này, làm sao để vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lại vừa tiếp cận được các công nghệ thích ứng với điều kiện của Việt Nam và điều kiện của DN.

Đáng chú ý, theo ông Thái, cũng cần có sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, để tạo được một chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép, từ đó, có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu xanh cũng như năng lượng xanh, rồi có được các khách hàng “chịu chi” sử dụng sản phẩm thép xanh, bởi muốn sản xuất được thép xanh thì chắc chắn chi phí sẽ tăng cao hơn.

Đọc thêm