Hôm 2/1, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Tetsuo Saito cho biết tất cả 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu 516 của hãng hàng không Japan Airlines đã thoát khỏi máy bay bốc cháy, sau khi va chạm với một chiếc máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo.
Sở cứu hỏa Tokyo thông báo, 14 người trong số đó bị thương nhẹ, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, 5 trong số 6 thành viên Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên chiếc máy bay được xác nhận đã thiệt mạng.
Theo AP, tất cả hành khách đã được đưa đến nơi an toàn trong vòng chưa đầy 20 phút.
Quy tắc an toàn và sơ tán chuyên nghiệp
"Tôi nghĩ có nhiều yếu tố gộp lại khiến mọi người sống sót ra khỏi máy bay", Robert Sumwalt, chuyên gia an toàn giao thông của CBS và là cựu chủ tịch Hội đồng An toàn Vận chuyển Quốc gia Mỹ, cho hay.
Một trong những yếu tố đó là việc các máy bay đời mới được trang bị phần bên trong ngăn lửa. "Thành bên hông máy bay không cháy nhanh như những đời trước", ông Sumwalt nói.
Theo chuyên gia an toàn John Cox, vụ cháy có thể xem là một bài kiểm tra cho các máy bay có phần vỏ làm từ sợi carbon tổng hợp thay vì thân nhôm như thường thấy. Phần thân máy bay có khả năng đã bảo vệ hành khách bằng cách không cho lửa cháy quá nhanh.
Các tiếp viên và phi công là những người cuối cùng rời máy bay. Bộ Giao thông Nhật Bản nói quy trình sơ tán của JAL "đã được thực hiện đúng cách".
Đoạn video cho thấy hành khách di chuyển nhanh chóng nhưng giữ bình tĩnh khi xuống cầu trượt được bơm phồng và ra khỏi máy bay. "Nếu bạn nhìn video, mọi người không cố gắng lấy hành lý trên đầu. Họ tập trung ra khỏi máy bay", ông Cox nói.
Chia sẻ về quá trình sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, hành khách Tsubasa Sawada (28 tuổi) cho biết: "Các tiếp viên yêu cầu chúng tôi giữ bình tĩnh và hướng dẫn chúng tôi xuống máy bay. Tôi nghe thấy tiếng nổ khoảng 10 phút sau khi mọi người và tôi đã ra khỏi máy bay. Tôi chỉ có thể nói đó là một phép màu, chúng tôi có thể đã chết nếu chậm chân".