Cách nào ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhân viên y tế nghỉ, thôi việc?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng 9.680 nhân viên y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Trong đó, vấn đề đáng lưu tâm nhất là thu nhập thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Áp lực cao thu nhập thấp, nhân viên y tế “dứt áo ra đi”

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Nguồn ảnh Báo tintuc.vn

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Nguồn ảnh Báo tintuc.vn

"Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi đó mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập", ông Tuyên nói.

Quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Tùng – Bác sĩ, nguyên chủ nhiệm khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện E Hà Nội cho biết, trong thu nhập có 2 vấn đề là lương cơ bản và thu nhập ngoài lương. Thực tế cho thấy cả 2 nguồn thu nhập này cộng lại rất thấp nên nhiều cán bộ, nhân viên y tế mới quyết định thôi việc, chuyển sang y tế tư nhân.

“Lương của 1 bác sĩ ra trường chỉ dừng ở mức khoảng 3.600.000 đồng/tháng, tính ra mỗi ngày chỉ nhận được 120.000 đồng, thực sự không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Và nếu không giải quyết được tình trạng này thì sẽ sinh ra những hậu quả tiêu cực, là nguồn gốc của tham ô, tham nhũng”, ông Tùng nêu.

Bác sĩ Trần Đình Tùng – nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện E Hà Nội

Bác sĩ Trần Đình Tùng – nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện E Hà Nội

Trao đổi thêm về vấn đề thu nhập, ông Tuyên phân tích, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi. Thậm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.

“Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn”, ông Tuyên nhận định.

Cũng theo vị lãnh đạo này, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế hầu như không có ngày nghỉ, phải làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nên không ít viên chức y tế bị ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý từ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua... cũng trực tiếp, gián tiếp tác động khiến không ít nhân viên y tế nghỉ, thôi việc.

Cần giải pháp bền vững "giữ chân" cán bộ y tế

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%.

Bộ Y tế đề nghị cho phép Bộ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.

Bên cạnh đó, Bộ đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Bộ Y tế cũng đề xuất chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế...

Ông Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế.

"Trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân", ông Lợi nói.

Theo Bác sĩ Trần Đình Tùng - Nguyên chủ nhiệm Khoa Nội (Bệnh viện E Hà Nội): "Đây là vấn đề lớn của toàn xã hội chứ không riêng gì ngành y tế. Điều quan trọng nhất là ngành y tế cần khắc phục vấn đề tiền lương và trợ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế thì mới có thể giữ chân được họ".

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2022 cho thấy trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).