Cách nào "tháo" điểm nghẽn” bán đấu giá tài sản thi hành án?

Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã phối hợp với Công an tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng 844 vụ việc, tất cả các vụ cưỡng chế đều đảm bảo đúng pháp luật và an toàn tuyệt đối. Mặc dù vậy, “điểm nghẽn” lớn hiện nay trong công tác thi hành án dân sự của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là việc xử lý tài sản thi hành án đưa ra bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường hôm qua dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra hoạt động công tác tư pháp và thi hành án dân sự tại TP HCM. Ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP HCM tham dự buổi làm việc.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt Sở Tư pháp, bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành trong năm qua. Năm 2012, công tác tư pháp TP HCM có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ngành Tư pháp trong đời sống xã hội.

Sở đã chủ trì soạn thảo, trình UBND thành phố 12 dự thảo văn bản; góp ý, thẩm định 250 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật  được thành lập đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật được củng cố, kiện toàn, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ. Trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, Sở đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài; phối hợp với Bộ Tư pháp đánh giá thực trạng công tác thực thi pháp luật tại xã, phường, thị trấn và khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự tại TP HCM. Việc củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của ngành Tư pháp thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Như trăn trở của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Tư pháp quận 3: Công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính còn gặp một số khó khăn do một số thủ tục quy định từ Nghị định, Thông tư chưa phù hợp thực tế, thậm chí có thủ tục còn gây phiền hà. Do đó, chưa đảm bảo thời gian trả kết quả cho người dân theo giấy hẹn, vấn đề này đã gây bức xúc cho người dân.

Về thực hiện các chỉ tiêu thi hành án, trong năm 2012 các cơ quan Thi hành án dân sự tại thành phố đã thi hành xong 44.992 việc/51.576 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 87,2%, vượt chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao 2,25%. Đã thi hành xong 3.493 tỷ đồng/4.601 tỷ đồng có điều kiện thu, đạt tỷ lệ 76%, vượt chỉ tiêu 6%.

Trong công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã phối hợp với Công an tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng 844 vụ việc, tất cả các vụ cưỡng chế đều đảm bảo đúng pháp luật và an toàn tuyệt đối. Mặc dù vậy, “điểm nghẽn” lớn hiện nay trong công tác thi hành án dân sự của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là việc xử lý tài sản thi hành án đưa ra bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ghi nhận những kết quả đạt được về thực hiện công tác tư pháp ở TP HCM trong thời gian qua, đồng thời đề nghị thời gian tới thành phố cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các quận, huyện, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và công tác hoà giải ở cơ sở... để ngành tư pháp TP HCM hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận phản ánh của Sở Tư pháp, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, tăng cường đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, giúp cơ sở tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tư pháp.

Đặng Chung

Đọc thêm