Nhìn chung, các TTHC được công bố đều đáp ứng tiêu chí giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức và được thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của cá nhân, tổ chức. Các TTHC trong THADS đã bao quát cơ bản quá trình tổ chức thi hành án, từ khâu thụ lý đến khi kết thúc thi hành án, phản ánh sự hoàn thiện thể chế và góp phần công khai, minh bạch quá trình tác nghiệp, tổ chức THADS.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn còn một số bất cập trong quy định về TTHC, làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án. Nhiều TTHC còn chưa được quy định một cách rõ ràng như thủ tục yêu cầu chứng kiến thỏa thuận thi hành án, thủ tục đề nghị ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung, thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, thủ tục nhận tài sản đã kê biên để trừ vào tiền được thi hành án…
TTHC trong THADS còn bộc lộ một số bất cập khác như: quy định về thông báo nghĩa vụ phải thi hành án hiện nay là còn quá rườm rà; trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về xác minh điều kiện thi hành án còn thiếu chế tài nên gặp nhiều khó khăn; quy trình, thủ tục bán đấu giá tài sản để thi hành án vẫn còn không ít bất cập.
Mặt khác, ở một số cơ quan THADS vẫn còn tình trạng chậm xử lý hồ sơ, vi phạm quy định về thời hạn giải quyết TTHC. Trong đó, phổ biến là chậm ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu, chậm áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dẫn tới đương sự tẩu tán tài sản hoặc còn tình trạng không thực hiện, thực hiện không đúng quy định, TTHC dẫn tới khiếu nại, tố cáo.
Có thể nói, quy trình tổ chức THADS dài hay ngắn, thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai các TTHC. Trong khi đó, hiệu quả của việc triển khai các TTHC nói chung và TTHC trong lĩnh vực THADS nói riêng lại phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của quy định về TTHC, năng lực, trình độ của đội ngũ công chức trực tiếp thực hiện TTHC. Do đó, để hướng tới mục tiêu rút ngắn thời gian tổ chức THADS, công tác xây dựng đội ngũ công chức THADS bảo đảm về số lượng và chất lượng cần được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh.
Hệ thống cơ quan THADS cần tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý trong quy định TTHC để kịp thời có đề xuất sửa đổi, bổ sung. Năm 2017, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục THADS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2703/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 18 TTHC trong lĩnh vực THADS. Những năm tiếp theo, Tổng cục THADS cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc trong áp dụng pháp luật của các cơ quan THADS, đặc biệt là vướng mắc liên quan tới TTHC để hoàn thiện pháp luật về THADS, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thi hành án.
Các cơ quan THADS cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm theo dõi, quản lý hồ sơ công việc để tạo thuận lợi cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc giám sát tiến độ và nội dung công việc của công chức được phân công nhiệm vụ. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về THADS để tăng cường khả năng giám sát của họ đối với các hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó tác động tới ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức THADS, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trên thực tiễn.
Sự phối hợp của các cơ quan liên quan có ảnh hưởng rất lớn tới thời gian tổ chức thi hành án nên cần tăng cường hiệu quả công tác này để rút ngắn thời gian thi hành án. Đặc biệt, Tổng cục THADS cần phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS qua dịch vụ bưu chính công ích. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thời gian đi lại, làm việc với cơ quan THADS, đồng thời giảm tải áp lực cho cơ quan THADS trong một số hoạt động như hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thi hành án, thông báo thi hành án…