Gương sáng Pháp luật

Bí thư Đảng ủy xã Lù A Dủa tích cực vận động bà con từ bỏ hủ tục

(PLVN) - Ông Lù A Dủa (SN 1970), Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã gắn bó cả đời với bà con vùng cao biên giới. Suốt mấy chục năm tham gia công tác, ông đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo nơi vùng cao biên giới. Ông là tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên trong học tập và công tác.

Ở Phiêng Pằn – xã biên giới của huyện Mai Sơn bà con người Mông, người Xinh Mun đến giờ vẫn luôn dành trọn tình cảm cho vị Bí thư Đảng ủy xã là ông Lù A Dủa. Ông Dủa được nhắc đến như một người đi tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục và phát triển kinh tế tại địa phương.

Suốt mấy chục năm qua, ông được bà con phong cho là người con của núi. Biết bao mùa trăng trôi qua, hình ảnh người cán bộ bám bản, bám dân để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã in sâu trong tâm trí của đồng bào dân tộc nơi đây.

Phiêng Pằn ngày mới

Đường lên xã Phiêng Pằn giờ không còn cảnh “núi cách sông ngăn” như những năm trước đây nữa. Đường lớn, được trải thảm nhựa, ô tô đã đến được tận các bản xa xôi.

Hôm chúng tôi đến xã biên giới này có may mắn gặp ông Dủa. Ông Dủa là người Mông – tính tình cởi mở lại dễ gần. Xuất thân là người lao động đã gắn bó cả đời với vùng cao biên viễn nên ông Dủa được bà con rất tín nhiệm.

Ông Dủa đón chúng tôi như những người con đi xa lâu ngày trở về. Vẫn cái giọng lơ lớ của người dân tộc Mông ông Dủa chia sẻ: “Vùng cao giờ đã đổi thay nhiều lắm rồi. Cái đói, cái nghèo đang dần được đẩy lùi. Con em người Mông, người Xinh Mun được học hành đến nơi đến chốn. Vui hơn cả là tư duy sản xuất đã thay đổi rõ nét. Bà con biết sản xuất hàng hóa, biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất”.

Ông Dủa nói về quê hương mình với niềm vui khó tả. Bản thân ông đã từng chứng kiến những năm tháng đầy gian nan khó nhọc trước đây, nên ông càng cảm nhận rõ về sự đổi thay rõ nét của Phiêng Pằn hôm nay. Đó là công sức mà Đảng bộ và chính quyền, trong đó có ông đã góp phần không nhỏ đưa xã biên giới này thay đổi.

Ngồi trò chuyện với ông Dủa cùng thưởng thức trà mà lòng tôi cũng tràn đầy phấn khởi. “Phiêng Pằn có 17 bản, giờ ô tô có thể đến thẳng các bản. Đường đi không còn cảnh xa ngái như những năm trước đây nữa. Từ năm 2016 đến nay, bà con phối hợp với công ty Mía đường Sơn La trồng được hơn 600 ha mía. Ngoài ra, bà con còn chuyển đổi từ cây ngô, cây sắn sang trồng cà phê. Nhờ vậy mà bà con có thêm nguồn thu nhập”, ông Dủa chia sẻ.

Trong những năm vừa qua, bà con đã rất nhiệt tình trong việc mở đường vào bản xa. Một tin vui đến với Phiêng Pằn là Đề án của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La triển khai xây dựng tuyến đường vành đai biên giới. Đề án sẽ triển khai đầu tư cứng hóa đường giao thông vào năm 2023, đi qua Đồn Biên phòng Phiêng Pằn và 5 bản: Xà Cành, Kết Nà, Phiêng Khàng, Nà Hiên, Ta Lúc. Khi điện đường đã đến các bản, cái đói, cái nghèo cũng theo đó mà dần được đẩy lùi.

Một cuộc họp của Đảng ủy xã Phiêng Pằn

Một cuộc họp của Đảng ủy xã Phiêng Pằn

Những ngày gian khó

Cuộc sống mới của bà con người Mông, người Thái, người Xinh Mun ở Phiêng Pằn đã có sự thay đổi rõ rệt. Sau mỗi năm đời sống được nâng lên. Nói chuyện nay để nhớ chuyện xưa, người Bí thư Đảng ủy xã vẫn còn chưa quên những ngày gian khó trước đây.

Ông Dủa kể, trước năm 1990, xã Phiêng Pằn còn nghèo và lạc hậu lắm. Khi đó phương tiện đi lại duy nhất đến xã và các bản là cuốc bộ và ngựa thồ. Bà con sống trong cảnh thiếu thốn trăm đường. Khi đó nhà ai cũng trồng cây thuốc phiện. Bản trên, bản dưới cùng trồng, cùng hút, hút nhiều dẫn đến có nhiều người nghiện.

Cây thuốc phiện phủ bóng đói nghèo lên các nếp nhà của bà con nơi đây. Gia đình ông Dủa khi đó cũng trồng. Bố ông cũng là người nghiện thuốc phiện nặng. Cây thuốc phiện đã đẩy bản làng rơi vào cảnh tiêu điều.

Cây hoa thuốc phiện bám chặt đất này càng khiến đời sống người dân thêm tiều tụy. Ở bản nào cũng có người nghiện”, ông Dủa nhớ lại. Mãi đến năm 1993, ông Dủa khi đó là Trưởng bản Đen, xã Phiêng Pằn và các cán bộ khác nhận được chủ trương vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chủ trương đúng đắn của Nhà nước đến như mở ra hướng thoát nghèo, thoát khổ cho bà con người Mông, người Xinh Mun nơi đây. Ông Dủa bắt đầu đi vận động bà con bỏ thuốc phiện.

Những ngày đầu đi vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện quả là gian nan đổi với với những người làm cán bộ. Ông Dủa đi đến nhà ai cũng bị từ chối đón tiếp. Họ cho rằng, ông Trưởng bản hãy về vận động chính bố ông cũng nghiện bỏ thuốc đi. Bà con sẽ theo.

Suốt thời gian dài, ông Dủa không vận động được ai bỏ cây thuốc phiện, kể cả bố đẻ của mình. “Ngày đó, tôi cũng không thể thực hiện biện pháp cứng được mà từ từ vận động ông cụ nhà mình về huyện cai nghiện thuốc phiện. Không ngờ sau nhiều lần tuyên truyền thuyết phục, ông cụ nhà mình cũng nghe ra”, ông Dủa kể lại.

Cái tin bố của Trưởng bản cai nghiện và xung phong xóa bỏ cây thuốc phiện để trồng ngô, trồng lúa chẳng mấy chốc đã lan ra toàn bản. Các cụ nghiện thuốc phiện trong bản mới tin là “bỏ thuốc phiện vẫn sống khỏe, chứ không bị ảnh hưởng như họ tưởng tượng”.

Từ đây 12 người nghiện trong bản cũng đồng lòng cai nghiện. Bản hết người nghiện, con cháu trong nhà cũng tự giác xóa bỏ cây thuốc phiện. Cái nương, cái rẫy đã bắt đầu xuất hiện màu xanh của ngô, của lúa. Bản không con người nghiện, cái đói, cái nghèo cũng dần bị đẩy lùi.

Hình ảnh ông Dủa - người trưởng bản ngày đêm đi tới, đi lui động viên bà con xóa bỏ cây thuốc phiện đã in sâu vào tâm trí bà con người Mông nơi đây.

Bản Đen các cụ bỏ được thuốc phiện, nhiều bản khác của xã cũng noi theo. Chẳng mấy chốc phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện đã được người dân nơi đây đồng lòng ủng hộ. Muốn cây thuốc phiện không còn đất sống ở nơi này, người đứng đầu phải gương mẫu làm kinh tế.

Ông Dủa đã mạnh dạn nhận các giống ngô, giống lúa mới đưa về bản sản xuất. Ông còn đưa cây ăn quả về trồng trên nương của bà con người Mông.

“Chỉ sau vài năm kiên trì làm kinh tế, tôi đưa gia đình tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó. Đến năm 2000, gia đình tôi đã mua được ti vi, máy nổ”, ông Dủa nhớ lại những ngày làm kinh tế đầy hăng say khi còn làm trưởng bản Đen.

Người dân xã Phiêng Pằn hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế gia đình của người Bí thư Đảng ủy xã vận động

Người dân xã Phiêng Pằn hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế gia đình của người Bí thư Đảng ủy xã vận động

Hành trình vươn lên của ông Dủa như là một minh chứng khẳng định rằng, tiềm năng của xã biên giới này còn rất lớn. Chỉ có ý chí vươn lên mãnh liệt mới có thể đánh thức được tiềm năng đó.

Câu chuyện về ông Bí thư Đảng ủy đã từng đi bộ cả ngày về trường nội trú học vẫn còn được bà con nơi đây đưa ra làm gương cho lớp trẻ sau này noi theo. Chỉ có học lấy cái chữ mới là giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất.

Đi bộ từ sáng đến đêm để học lấy cái chữ

Câu chuyện của vị Bí thứ Đảng ủy xã đưa tôi từ bất ngờ này đến sự ngạc nhiên khác. Ông Dủa sinh ra ở bản Đin Chí (xã Chiềng On, huyện Yên Châu). Bố ông là người nghiện thuốc phiện, nên cứ sau vài mùa nương, cây thuốc phiện kém phát triển ông lại cùng một số hộ dân người Mông khác đi tìm vùng đất mới.

Năm 1982, gia đình ông đã di dân đến bản Đen (xã Phiêng Pằn, Mai Sơn) để tìm vùng đất mới để gieo trồng thuốc phiện. “Khi đó, gia đình chỉ làm cái lán nhỏ để ở. Ngày ngày phá rừng để trồng thuốc phiện. Cuộc sống khốn khổ vô cùng”, ông Dủa nhớ lại.

Sống trong gia đình đông anh em lại nghèo khó, nhưng ông Dủa lại được bố cho đi học. Ông Dủa là 1 trong những học sinh đầu tiên của xã Phiêng Pằn được về Trường Nội trú tỉnh Sơn La học trường nội trú. Ở trường được 2 năm, ông lại chuyển về bản Đen vì nhà ở xa quá.

Một sự may mắn đã đến với ông Dủa, khi năm 1984, ông lại được nhận về Trường Nội trú huyện Mai Sơn học lấy cái chữ. Muốn xuống trường học, ông phải dậy từ mờ sáng, đi bộ đến đếm khuya mới về tới trường. Hành trình học cái chữ của ông Dủa chứa đầy sự gian nan.

Vốn là người ham học nên ông đã vượt qua mọi gian khó để học hết lớp 5. “Khi đó, cái chữ với con em đồng bào Mông là một sự xa xỉ. Rất ít gia đình cho con em mình đi học”, ông Dủa cho biết.

Được học hành nên ông Dủa được bà con bầu làm trưởng bản. Ai cũng tin rằng cái đầu trưởng bản có chữ sẽ giúp bà con đi theo con đường sáng. Ông Dủa làm trưởng bản từ năm 1991 đến năm 2004.

Là người chịu thương, chịu khó, lại có nhiều kinh nghiệm trong dân vận nên cuối năm 2004, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn. Hình ảnh người cán bộ Mông nhẫn nại và giỏi tuyên truyền đã đi đến khắp các bản vùng cao của Phiêng Pằn. Ông đi đến đâu là mang theo sự thay đổi đến đó. Sự đói nghèo, lạc hậu ở các bản cũng dần được đẩy lùi. Càng đến với dân, ông càng được bà con tin yêu gửi gắm niềm tin. Đến tháng 8/2005, ông Dủa vinh dự được giữ cương vị Chủ tịch xã Phiêng Pằn.

Suốt 17 năm giữ cương vị Chủ tịch xã, ông cùng cán bộ xã đã đồng lòng, dốc sức xây dựng quê hương Phiêng Pằn. Đến tháng 5/2020 ông được chuyển công tác sang cương vị mới là Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn. Giữ cương vị nào ông cũng luôn hết lòng, hết sức xây dựng quê hương.

Là người con của bản, ông Dủa rất hiểu phong tục tập quán của địa phương, mỗi lần đi tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật hay hòa giải các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong công đồng, bằng uy tín của mình ông Dủa luôn được mọi người tin, nghe, công việc diễn ra thuận lợi. Không chỉ tận tụy với công việc, hết lòng phục phụ bà con nhân dân, ông Dủa còn là tấm gương chia sẻ, đồng cảm với anh em đồng nghiệp hoàn cảnh khó khăn ở cơ quan. Từ cái bàn, cái ghế đến máy tính văn phòng được Nhà nước cấp ông Dủa đều nhường cho cán bộ đồng nghiệp, còn ông thì tự bỏ tiền túi đi mua về sử dụng…

Trong những năm vừa qua, dưới sự chèo lái của người cán bộ gương mẫu, Đảng bộ, chính quyền xã luôn phối hợp chặt chẽ với Đồn biên phòng Phiêng Pằn tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu như ma chay. “Người Mông đã dần hiểu được, những gì mà cán bộ biên phòng và chính quyền xã tuyên truyền là giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Những gì là hủ tục phải từng bước loại bỏ ra khỏi cuộc sống. Cứ sau mỗi năm, cuộc sống tốt hơn, bà con cũng dần nhận ra điều đó”, ông Dủa chia sẻ.

Câu chuyện về làm ăn kinh tế, rồi học lấy cái chữ, hay công tác dân vận của vị Bí thứ xã đã được bà con nơi đây ghi nhận. Những đóng góp của ông cho vùng cao Phiêng Pằn thật đáng trân trọng. Ghi nhận những đóng quý báu đó, ông Dủa đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh và các cấp, các ngành… Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” năm 2018; Ủy Ban dân tộc Trung ương tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” năm 2015 và rất nhiều Bằng Khen, Giấy khen của UBND tỉnh Sơn La, các ban, ngành tặng. Minh chứng ghi nhận cho những đóng góp của Bí thư Đảng ủy xã – Lù A Dủa.

Ông Hà Văn Bình, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mai Sơn cho biết: "Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn – Lù A Dủa là một trong năm cán bộ lãnh đạo cấp xã người dân tộc thiểu số của huyện Mai Sơn. Đồng chí là người trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều cương vị và ở cương vị nào đồng chí cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công việc, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, ham học hỏi. Phiêng Pằn là xã biên giới có điều kiện khí hậu, đất đai khắc nghiệt, dân trí còn hạn chế… Suốt quá trình công tác đồng chí Dủa đã gắn bó với sự phát triển của xã cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí đã lãnh đạo, đoàn kết nhân dân; vận động nhân dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xóa đói giảm nghèo… Chính vì vậy, mà đời sống nhân dân các dân tộc xã Phiêng Pằn ngày càng được cải thiện, nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Phiêng Pằn nói riêng và huyện Mai Sơn nói chung".

Đọc thêm