Theo ước tính của Trung tâm Phòng chống & Kiểm soát bệnh dịch Hòa Kỳ trên thế giới, năm 2014 cứ 68 trẻ thì có một trẻ tự kỷ. Năm 2000 tỷ lệ trẻ tự kỷ là 1/150. Tỉ lệ trẻ nam tự kỷ cao gấp 5 lần trẻ nữ.
Hội chứng tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường phát hiện khá muộn. Các cha mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như vẫn diễn ra bình thường. Phần lớn trẻ vẫn có vẻ bề ngoài bụ bẫm, dễ thương, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt.
Chỉ tới khi trẻ hơn 2 tuổi thấy trẻ không chịu nói hoặc không nói gì nữa dù đã bập bẹ vài từ và có những ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi khác thì cha mẹ mới hốt hoảng nghi ngờ về sự phát triển của con. Thậm chí nhiều cha mẹ không chấp nhận thực tế mà chỉ cho rằng đó là những biểu hiện cá tính của con.
Cho tới thời điểm này, khoa học vẫn khẳng định không thể chữa được bệnh tự kỷ. Bác sĩ Orly Attia Dafni chuyên ngành nhi khoa về Trẻ tự kỷ của Family Medical Practice Hanoi nhấn mạnh: “Chúng ta cần phân biệt việc không chữa được bệnh tự kỷ và không giúp cho trẻ tiến bộ được. Nếu gọi là bệnh tự kỷ đúng là không có thuốc chữa nhưng nếu xem đó là tình trạng rối loạn về giao tiếp thì phải xác định được mức độ để đưa ra những biện pháp can thiệp. Nếu can thiệp sớm từ 1-3 tuổi với những trẻ tự kỷ nhẹ và trung bình sẽ cải thiện và gia tăng khả năng giao tiếp qua ngôn ngữ, hành vi”.
Bác sĩ Orly cũng cho biết, nếu phát hiện sớm 80% trẻ tự kỷ có thể đi học với các bạn bình thường.
Đặc biệt bà đưa ra một lưu ý quan trọng không “khuyến khích” bố mẹ bỏ qua giai đoạn tập bò của trẻ vì đây là giai đoạn vận động quan trọng giúp trẻ phát triển đầy đủ các cơ và hai bán cầu não. Vì một trong những nguyên nhân gây ra tự kỉ chính là do một phần não bộ phát triển quá mức.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Dưới đây là những dấu hiệu sớm của trẻ tự kỷ do Dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ (Đại sứ quán Hòa Kỳ tài trợ) đưa ra:
- 6 tháng tuổi: Trẻ không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương.
- 9 tháng tuổi: Trẻ không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt.
- 12 tháng tuổi: Trẻ không nói bập bẹ. Trẻ không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: chỉ, khoe, với, và vẫy. Trẻ không phản ứng với tên mình khi được gọi (cả tên khai sinh và tên thân mật ở nhà).
- 14 tháng tuổi: Trẻ không chỉ vào những đồ vật để chia sẻ hứng thú ví dụ khi nhìn thấy máy bay bay qua bầu trời.
- 16 tháng tuổi: Trẻ không nói được từ nào.
- 18 tháng tuổi: Trẻ không chơi trò chơi giả vờ ví dụ như các bé gái không biết chơi trò giả vờ cho búp bê ăn.
- 24 tháng tuổi: Trẻ không thể nói những cụm 2 từ có nghĩa bao gồm cả bắt chước và nhắc lại. Trẻ tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình.
- Những biểu hiện bất thường từ giai đoạn 24 tháng tuổi của trẻ gồm:
+ Trẻ gặp vấn đề về hiểu cảm xúc của người khác hoặc nói về cảm xúc của mình.
+ Có những chậm trễ về những kỹ năng ngôn ngữ và lời nói.
+ Lặp đi lặp lại từ hoặc cụm từ.
+ Đưa ra những câu trả lời không phù hợp.
+ Dễ buồn hay tức giận với những thay đổi nhỏ.
+ Có những hứng thú mang tính chất ám ảnh như nhất định làm một việc vào một giờ trong ngày.
+ Thích mãi một thứ và bị hút vào đó không tách ra được: ví dụ chỉ chơi bánh ô tô hay nhìn quạt trần quay liên tục.
+ Vẫy tay, rung người hoặc quay vòng tròn.
+ Có những phản ứng bất thường với âm thanh, mùi vị, cảm nhận hoặc hình ảnh của đồ vật.
+ Mất đi khả năng đã có ở bất cứ độ tuổi nào như ngôn ngữ, khả năng giao tiếp xã hội.