Trong sự việc bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị mất tích, cộng đồng mạng đã góp phần chung tay chia sẻ lan truyền thông tin nhằm có thể tìm ra cháu bé. Tuy nhiên, không ít kẻ trục lợi dựa vào thông tin này để gây chú ý, thu hút lượt xem cho trang bán hàng của mình.
Ghép ảnh, tung tin để hút người xem
Một trang mạng xã hội đã lắp ghép hình ảnh bé với hình ảnh một bé trai khác tình cờ chụp trên đường phố và đồn thổi: “Đây chính là hình ảnh người đi đường chụp được bé Nô trong trạng thái bị bắt cóc”. Thế là, cộng đồng mạng chạy theo thông tin này, cả người nhà cháu bé cũng hoang mang; lượt xem, chia sẻ từ trang mạng nói trên tăng chóng mặt.
Tương tự, nhiều trang khác, cá nhân khác cũng chia sẻ lại, thêu dệt thêm vào đó những thông tin giật gân hơn để gây chú ý, khiến sự việc càng đi quá xa. Chỉ đến khi có người phát hiện, hình ảnh lắp ghép nói trên xuất phát từ một bức ảnh khác, vụ án khác đã xuất hiện trên báo nhiều năm trước thì sự việc mới quay về xuất phát điểm ban đầu.
Rồi ngay cả khi cháu bé được phát hiện đã qua đời, lại tiếp tục có những fanpage phát tán những hình ảnh cắt ghép, tung tin liên quan đến cái chết của cháu một cách thiếu căn cứ, thậm chí còn lấy hình ảnh của những người không liên quan ghép vào và tung tin đây là những nghi phạm của vụ án đang bị công an điều tra (!).
Đã có không ít trường hợp ghép ảnh, tung tin như thế, hầu hết chỉ xoay quanh mục đích “câu view”. Thời điểm trước, khi có thông tin rộ lên nhiều trẻ bị bắt cóc ở nhiều nơi, một số tài khoản facebook đã lên mạng tìm kiếm những hình ảnh tương tự, cắt ghép và chia sẻ những câu chuyện như thật, rằng mình đã chứng kiến tận mắt một vụ bắt cóc mới xảy ra tại quận này, quận kia trong thành phố, nhưng sau đó, chính những người sống ở khu vực nói trên xác định không có chuyện xảy ra, thì dư luận mới biết mình bị lừa.
Cũng mới đây, một tài khoản đã đăng lên facebook kêu gọi cộng đồng tìm kiếm một bé trai sinh sống trong chung cư vừa bị mất tích. Cư dân mạng lại sục sôi, và rồi chỉ vài tiếng đồng hồ sau, cháu bé được tìm thấy nhưng chỉ là cháu tình cờ đi vào thang máy đang mở, lạc vào tầng khác của chung cư...
Một sự việc nghiêm trọng khác xảy ra thời gian qua, cũng liên quan đến cắt ghép ảnh, tung tin đồn “câu view”, đó là chuyện một trang mạng tung ra cậu chuyện “hai thiếu nữ hiếp dâm thanh niên đến chết” ở Bình Thuận. Tin tức gây sốc có kèm hình ảnh minh họa cụ thể này lập tức được lan truyền khắp mạng xã hội, đem lại hàng triệu view cho người tung tin và hàng ngàn bình luận ác ý dành cho hai cô gái.
Tuy nhiên, sau đó, địa phương có tin đồn nói trên đã xác nhận không có sự việc này xảy ra. Đáng nói là hình ảnh minh họa tin đồn này là của hai nữ sinh đàng hoàng, bức ảnh trên được lấy ra từ facebook cá nhân của hai nữ sinh này. Bỗng dưng bị gắn vào một tin đồn hết sức ác ý và đầy “nhạy cảm”, đời sống của hai nữ sinh bị đảo lộn, họ liên tục nhận được những tin nhắn, liên lạc không đàng hoàng. Hai cô gái rơi vào khủng hoảng, sợ hãi, thậm chí có ý định tự sát…
Bất chấp hậu quả
“Câu view” là gì mà khiến nhiều kẻ bất chấp sự thật, bất chấp việc tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận, thậm chí cả hành vi vu khống người khác như thế? Thực tế, đây là thời điểm bùng nổ kinh doanh online, số người theo dõi một fanpage hoặc một trang cá nhân rất quan trọng quyết định việc quảng cáo bán hàng có hiệu quả hay không.
Để có được số lượt theo dõi, lượt like hay chia sẻ trang nhiều chừng nào, chủ tài khoản càng phải bỏ ra số tiền cao chừng ấy để trả phí. Chính vì vậy, nhiều tài khoản bán hàng đã quyết định “đi đường tắt” bằng cách gây ra những vụ scandal, tạo tin giật gân để hút lượt xem, lượt like cho trang của mình. Sau khi bất chấp để có được lượt like khủng như thế, họ có thể tận dụng để quảng cáo bán hàng, hoặc sang nhượng lại trang của mình kiếm lợi nhuận.
Trước đó, từ 5/5, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ra đời đã quy định, hành vi sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm một trong các mục đích như vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Điều 122 Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội vu khống, với hành vi rất nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm. Đó là còn chưa kể đến, những hành vi vu khống, xuyên tạc này còn nhằm mục đích trục lợi để kinh doanh.
Mạng xã hội phát triển đồng nghĩa với sự xuất hiện của các loại hình tội phạm trên mạng. Có lẽ, hành vi đồn thổi, xuyên tạc, vu khống này còn khá nhỏ nhoi so với các hành vi tội phạm khác, nên ít khi thấy trường hợp tung tin, xuyên tạc, ghép ảnh này bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Và nếu cứ để mặc cho những sự việc nhìn có vẻ “cho vui” này phát triển thì đó sẽ là mầm mống của cái ác, không xa…